Phát biểu trong cuộc họp nội các đầu tiên từ khi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vừa qua, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, lãnh đạo đảng Dân chủ mới, cho biết sẽ đệ trình dự luật thuế, trong đó có cam kết cắt giảm thuế, được cho là có thể tác động tới mục tiêu thắt chặt ngân sách của nước này vào cuối 7. Theo Thủ tướng Mitsotakis, bắt đầu vào năm 2020, ông sẽ cắt giảm trong hai năm 30% thuế tài sản, được biết đến với tên gọi ENFIA, vốn được chính phủ tiền nhiệm đưa ra trong cuộc khủng hoảng tài chính. Bên cạnh đó, ông còn đề nghị giảm thuế thu nhập và giảm dần 8% thuế doanh nghiệp. Thủ tướng Mitsotakis hy vọng thông qua việc thực hiện một loạt cải cách, ông có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn nhằm tăng nguồn thu ngân sách cũng như thuyết phục các chủ nợ giảm bớt mục tiêu thặng dư ngân sách 3,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Trọng tâm cam kết trước đây mà Hy Lạp đưa ra đối với các chủ nợ (khu vực đồng tiền chung châu Âu) eurozone là nâng thặng dư ngân sách lên mức 3,5% GDP trong vài năm tới. Đây là mục tiêu cơ sở trong gói cứu trợ lần 3 giúp Hy Lạp thoát hiểm vào tháng 8-2018 và Athens cam kết duy trì mục tiêu này cho đến năm 2022. Do đó, lời kêu gọi lẫn kế hoạch của Thủ tướng Hy Lạp đã vấp phải sự phản đối từ các chủ nợ. Các bộ trưởng tài chính nhóm nước châu Âu eurozone khẳng định sẽ không thay đổi các mục tiêu chính đã nhất trí với Athens. Chủ tịch Nhóm Bộ trưởng Tài chính 19 nước sử dụng đồng EUR (eurogroup) Mario Centeno lên tiếng hối thúc chính phủ mới của Hy Lạp tiếp tục thực thi các cam kết chi tiêu nghiêm ngặt đã nhất trí với eurozone.
Theo giới quan sát, phát ngôn của nhóm chủ nợ cho thấy kế hoạch đầy tham vọng của chính phủ mới Hy Lạp bước đầu đã gặp không ít trở ngại. Mặc dù cam kết của ông Kyriakos Mitsotakis dựa trên những cơ sở, nền tảng kinh tế vững chắc, nhưng nó có thể tạo ra những lỗ hổng đáng kể về tài khóa. Nếu khuôn khổ tài khóa mà Hy Lạp đã nhất trí với các chủ nợ không được điều chỉnh đủ mức, những biện pháp tài khóa mở rộng mà chính phủ tiền nhiệm thực hiện hồi tháng 5 sẽ khiến Hy Lạp không đạt được mục tiêu tài khóa trong năm nay. Dù tình hình kinh tế Hy Lạp đã có dấu hiệu khởi sắc, nhưng để nó có thể tác động ngay lập tức trong lĩnh vực ngân sách cần phải có thời gian. Nhiều khả năng các nước thuộc eurozone không mấy sẵn lòng thảo luận lại các mục tiêu tài khóa thấp hơn cho Hy Lạp để tài trợ cho kế hoạch cắt giảm thuế của ông Mitsotakis trong giai đoạn hiện nay.
Tuy gặp trở ngại bước đầu trong kế hoạch cắt giảm thuế, nhưng nhìn chung, chiến thắng vang dội của đảng Dân chủ mới trong cuộc bầu cử vừa qua đang tạo cơ hội hiếm có cho Thủ tướng Mitsotakis. Ông Mitsotakis được “thừa hưởng” một đất nước phần nào đã trở nên ổn định sau gần một thập niên rối ren về kinh tế, chính trị cũng như về xã hội. Có ý kiến cho rằng, phong cách lãnh đạo mạnh mẽ cùng với quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi cho giới đầu tư sẽ là những yếu tố cốt lõi trong nhiệm kỳ thủ tướng của ông Mitsotakis. Nếu Thủ tướng Mitsotakis có thể duy trì được sự ủng hộ của cử tri và biến Hy Lạp trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, chắc chắn ông sẽ gặt hái được thành công. Nếu không, trong 4 năm tới, Hy Lạp có thể rơi vào vòng xoáy cũ.