Chúng ta đang sống và hành động trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, với tất cả thời cơ và nguy cơ đan xen, chuyển hóa khôn lường, đặt ra thách thức: hoặc là tụt hậu, bị bỏ rơi, hoặc là bứt lên ngang tầm thời cuộc. Minh chứng là sự rung chuyển của thế giới trong năm 2022, lập tức gây chấn động toàn cầu. Theo đó tất cả các nước phải chủ động, tìm đối sách cho phù hợp, nếu không định vị được trong thế giới hay trước hết là khu vực, nhất định sẽ đứng ngoài cuộc hội nhập toàn cầu.
Thời đại toàn cầu hóa, chúng ta tưởng sống như trong một “thế giới phẳng”, nhưng 2022 cho thấy không ít lúc lại rơi vào vùng “gập ghềnh”. Đó là sự phân biệt đối xử của các cường quốc lớn khi địa chính trị xảy ra, nguy cơ tụt hậu lại càng đe dọa. Do vậy hơn bao giờ hết, con đường duy nhất Việt Nam phải phát triển toàn diện, bền vững. Điều này đồng nghĩa phải có tầm nhìn mới trong thế giới mới. Minh chứng rõ nhất là cuộc xung đột Nga - Ukraine, suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, lãi suất quốc tế tăng và đồng USD mạnh lên, nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng tăng ở châu Âu… dẫn đến căng thẳng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam và làm tăng rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô. Do vậy, các nhà hoạch định chính sách cần cảnh giác, điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ kịp thời với tình hình thay đổi trên toàn cầu.
Như nhận định của ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào, với mức tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam tính đến tháng 9-2022, IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 tăng lên mức 7-7,5%. Tuy nhiên, do cầu bên ngoài chậm lại và điều kiện tài chính thắt chặt hơn, IMF hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2023 xuống 5,8%, lạm phát cũng dự kiến sẽ tăng lên trước khi dần trở lại dưới mức 4%.
Nhiều dự báo cho rằng, nền kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc thực hiện chương trình phục hồi kinh tế 2022 - 2023. Và dự báo Việt Nam vẫn sẽ duy trì mục tiêu ổn định lãi suất và tỷ giá, giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến ngược lại, với nền tảng tăng trưởng khá cao trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ chậm lại, do sức bật cầu trong nước có thể không mạnh mẽ như năm 2022; giá cả nguyên vật liệu tăng cao bắt đầu chuyển hóa rõ nét hơn vào chi phí sản xuất; xuất nhập khẩu có thể tăng chậm hơn so với năm 2022 do tình trạng khó khăn kéo dài của các thị trường xuất khẩu chính; thu hút vốn đầu tư nước ngoài dự báo vẫn ở mức thấp do các rủi ro kinh tế toàn cầu gia tăng.
Điều này có thể thấy các dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tiếp tục suy giảm, trong khi lạm phát tiếp tục ở mức cao. Bên cạnh những bất ổn gây ra bởi đại dịch Covid và sự đứt gãy chuỗi cung ứng, thì cuộc xung đột Nga - Ukraine được coi là rủi ro chính, khi kéo theo sự leo thang của giá hàng hóa cơ bản càng làm trầm trọng thêm những thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Thế giới cho rằng, kinh tế thế giới đang bước vào “một thời kỳ kéo dài với tăng trưởng kém và lạm phát duy trì ở mức cao”. Môi trường lạm phát cao kết hợp tăng trưởng yếu hiện nay là sự tái hiện những gì đã xảy ra cách đây 5 thập niên: lạm phát nóng, dẫn tới những đợt tăng lãi suất mạnh mẽ ở các nền kinh tế phát triển, kéo theo một loạt cuộc khủng hoảng tài chính tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Một điều rất dễ nhìn thấy là dư địa chính sách tiền tệ của chúng ta không còn nhiều, nên gánh nặng hỗ trợ phục hồi kinh tế đang đặt lên vai chính sách tài khóa rất lớn. Phần lớn nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 là từ chính sách tài khóa. Tuy nhiên, nguồn thu ngân sách bắt đầu từ quý III, quý IV-2022 có dấu hiệu suy giảm và khả năng thu được tốt như những năm qua rất khó khăn. Đây cũng là bài toán vĩ mô trong việc tính toán hài hòa.
Một điều nữa cũng không thể phủ nhận, rằng nền kinh tế Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đối với kinh tế toàn cầu cũng như với Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc là thị trường của nhiều mặt hàng nông nghiệp, thủy, hải sản và một số hàng công nghiệp. Đây cũng là nơi cung cấp hàng hóa trung gian đầu vào cho rất nhiều mặt hàng Việt Nam sản xuất để xuất khẩu, cũng như tiêu thụ trong nước. Theo dự báo của IMF, năm 2023 thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể, nhưng riêng Trung Quốc được dự báo tốt hơn năm 2022. Với những ảnh hưởng đó, việc nới lỏng chính sách kiểm soát dịch Covid-19 sẽ là điều rất tích cực cho kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.