Chặng đường mới của nhà sáng lập WikiLeaks

Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange đã đạt được thỏa thuận nhận tội để chấm dứt việc bị giam giữ tại Anh, cho phép ông trở về quê hương Australia và khép lại cuộc hành trình pháp lý hơn một thập niên.

Theo hồ sơ tại Tòa án quận phía Bắc quần đảo Mariana công bố ngày 25-6, ông Julian Assange, 52 tuổi, đã đồng ý nhận tội danh hình sự về việc âm mưu lấy và tiết lộ các tài liệu mật về quốc phòng của Mỹ. Ông Assange đã được trả tự do khỏi nhà tù Belmarsh và đã rời khỏi Vương quốc Anh.

Với thỏa thuận này, ông Assange sẽ xuất hiện tại tòa án trên đảo Saipan thuộc quần đảo Mariana, lãnh thổ Thái Bình Dương của Mỹ, vào sáng 26-6 và dự kiến sẽ bị tuyên án 62 tháng tù giam. Thời gian 5 năm ông Assange ngồi tù tại Anh được tính vào mức án trên, do đó, ông sẽ được trở về Australia sau khi kết thúc phiên xử.

Đây là lần đầu tiên, Chính phủ Mỹ tìm cách truy tố ai đó vì đã công bố bí mật của chính phủ. Theo Politico, vụ việc đã gây đau đầu về mặt ngoại giao đối với chính quyền Tổng thống Biden, vốn đang phải đối mặt với áp lực từ Australia, một đồng minh an ninh quan trọng.

Z6a.jpg
Ông Julian Assange, 52 tuổi, trước khi rời khỏi Vương quốc Anh. Ảnh: Wikileaks

Julian Assange nổi lên nhờ việc ra mắt WikiLeaks vào năm 2006, tạo ra một nền tảng tố cáo trực tuyến để mọi người gửi các tài liệu mật và video theo cách ẩn danh. Theo Al Jazeera, năm 2010, WikiLeaks đã gây chấn động thế giới khi công bố hàng trăm ngàn tài liệu mật quân sự Mỹ liên quan đến chiến tranh Afghanistan và Iraq. Đây được coi là vụ rò rỉ an ninh nghiêm trọng nhất trong lịch sử quân đội Mỹ. Bên cạnh tài liệu quân sự, WikiLeaks còn tiết lộ hàng loạt bức điện ngoại giao nhạy cảm.

Ông Assange được nhiều người ca ngợi là người hùng vì đã đưa ra ánh sáng những hành vi quân sự sai trái ở Iraq và Afghanistan. Ngược lại, cũng có những người coi đây là chiêu trò tự quảng cáo và thiếu hiểu biết về tác hại từ việc để rò rỉ thông tin. Bản thân nhân vật này cũng phải đối mặt những cáo buộc hiếp dâm, điều mà ông luôn phủ nhận.

Theo giới quan sát, thỏa thuận nhận tội của ông Assange không hoàn toàn bất ngờ. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải chịu áp lực ngày càng tăng trong việc hủy bỏ vụ kiện kéo dài chống lại Assange. Hồi tháng 2, Chính phủ Australia đã đưa ra yêu cầu chính thức về việc này và ông Biden ngay sau đó công khai cho biết đang “xem xét” yêu cầu từ Australia về việc chấm dứt truy tố ông Assange.

Trước đó, một chiến dịch quốc tế nhằm trả tự do cho Assange đã diễn ra trong nhiều năm với sự tham gia của những người nổi tiếng và những người ủng hộ tự do báo chí.

Theo bà Jodie Ginsberg, Giám đốc điều hành của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, nếu Julian Assange bị dẫn độ về Mỹ và bị truy tố theo Đạo luật gián điệp sẽ có tác động nghiêm trọng đối với các nhà báo trên toàn cầu. Việc ông Assange không phải là công dân Mỹ mà là công dân Australia, nhưng được đưa đến Mỹ và bị truy tố, đồng nghĩa nhà báo ở bất cứ đâu tìm cách công bố thông tin về vi phạm nhân quyền, như WikiLeaks đã làm, đều có thể bị truy đuổi và truy tố như Mỹ đã làm với Assange.

Như vậy, thỏa thuận sẽ chấm dứt câu chuyện pháp lý kéo dài. Tổng cộng, ông Assange đã trải qua hơn một thập niên chống bị dẫn độ (5 năm ở nhà tù Belmarsh ở ngoại ô London và 7 năm trong Đại sứ quán Ecuador ở London).

Tin cùng chuyên mục