Gian nan điêu khắc
Mỹ thuật vốn trầm hơn về mặt tiếp cận công chúng so với điện ảnh hay âm nhạc, trong đó điêu khắc càng trầm lắng hơn so với hội họa. Chuyên ngành điêu khắc của Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM năm 2022 chỉ tuyển vỏn vẹn 5 chỉ tiêu, trong khi hội họa có 40 chỉ tiêu. Thậm chí có năm trường chỉ tuyển sinh được 1 sinh viên ngành điêu khắc. Nguyên nhân có nhiều nhưng đầu tiên phải kể đến đây là ngành học rất vất vả, sinh viên phải thực tập và rèn luyện kiến thức của nhiều chuyên ngành khác nhau trong mỹ thuật.
Triển lãm điêu khắc TPHCM - Hà Nội lần 7, đang diễn ra tại Hội Mỹ thuật TPHCM (đến hết ngày 9-10) thu hút nhiều nghệ sĩ trong giới mỹ thuật tham gia. GS-TS-Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, chia sẻ: “Triển lãm điêu khắc TPHCM - Hà Nội được giới chuyên môn đánh giá cao bởi chất lượng tác giả và tác phẩm đồng đều nhau. Các tác phẩm có thể cùng chất liệu, nhưng tính sáng tạo và thông điệp nghệ thuật hoàn toàn khác nhau, vì thế mà mỗi dịp triển lãm đều gây ấn tượng mạnh với người xem. Không gian được chọn cho sự kiện phải chỉn chu trên nhiều yếu tố. Như triển lãm lần này, không gian trưng bày tại Hội Mỹ thuật TPHCM có thể nhỏ hơn một số nơi khác, nhưng ánh sáng phục vụ triển lãm đảm bảo chất lượng chiếu sáng tốt nhất có thể. Vì trong điêu khắc, ánh sáng rất quan trọng góp phần tôn vinh tác phẩm, cùng với đó là bệ đỡ để trưng bày và quá trình sắp xếp để các tác phẩm truyền tải thông điệp nghệ thuật mà tác giả mong muốn một cách tốt nhất có thể”.
Thay đổi chất liệu và cảm hứng
Theo đánh giá của giới chuyên môn, trong bối cảnh ảnh hưởng chung của dịch Covid-19 vừa qua, các nghệ sĩ điêu khắc TPHCM - Hà Nội không có nhiều hoạt động kết nối. Nhưng ở góc độ nào đó, cũng là khoảng thời gian lý tưởng để cá nhân mỗi nghệ sĩ điêu khắc trẻ phát triển mạnh mẽ cảm hứng sáng tạo theo tinh thần mới. Trở lại đúng thời điểm lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật ở các thành phố lớn nhộn nhịp, triển lãm lần này không chỉ còn là sự kiện của một nhóm nghệ sĩ, mà đóng vai trò là dấu ấn chuyển dịch tự nhiên của các thế hệ sáng tạo, gợi mở nhiều xu hướng sáng tác mới của điêu khắc trong dòng chảy nghệ thuật đương đại…
Triển lãm được chia làm 2 phần. Phần thứ nhất giới thiệu 50 tác phẩm của 33 nghệ sĩ, phần lớn là những tác phẩm thiên về truyền thống, gồm các tác phẩm điêu khắc nhỏ với vật liệu bền vững. Phần 2, dự kiến diễn ra tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) vào tháng 11-2022, với không gian trưng bày ngoài trời, các tác phẩm với ngôn ngữ tạo hình đương đại, chất liệu tổng hợp thậm chí biến đổi theo thời gian diễn ra sự kiện.
Điển hình như các tác phẩm độc đáo của nghệ sĩ điêu khắc Đỗ Hà Hoài, lấy đất sét làm chất liệu chính, lấy căn bệnh dị ứng với bột mì làm nguồn cảm hứng, tạo nên những tác phẩm mà như anh chia sẻ: “Tôi ngắm nhìn bề mặt xẹp phồng của cơ thể chính mình khi dị ứng với bột mì và bắt đầu nguồn cảm hứng để tạo ra những vật thể rạn nở. Và từ đó, mong muốn truyền tải một thông điệp xa hơn trong xã hội hiện đại, khi mạng xã hội có nhiều thông tin tiêu cực lấn át những câu chuyện tích cực, cũng dễ gây những “dị ứng” cho chúng ta. Những tác phẩm quanh chủ đề cảnh quan rạn nở của tôi phản chiếu thân thể, tâm trí, những quan sát xã hội, niềm tin và những vấn đề nhân sinh. Dị ứng ở đây không còn là một phản ứng cá nhân mà đã trở thành một hiện tượng tập thể”.
Thực tế cho thấy, 10 năm qua, các nghệ sĩ trong nhóm điêu khắc TPHCM - Hà Nội đã tham gia nhiều dự án trong nước và sự kiện quốc tế. Tuy nhiên, điêu khắc gắn liền với không gian, môi trường và bối cảnh nhận thức. Sự phát triển tiếp theo của điêu khắc TPHCM - Hà Nội, chắc chắn sẽ cần đến nhiều hơn nữa sự góp mặt của các nghệ sĩ trong ngữ cảnh của không gian mới, cuộc chơi mới đi cùng với sự thay đổi về tư duy của các giám tuyển nghệ thuật, người hỗ trợ, công chúng, giới phê bình và cả những thành phần khác trong thị trường nghệ thuật đương đại…