
Chúng tôi đến xứ sở hoa phong lan nhiệt đới trong những ngày cuối tháng 3. Nhiệt độ tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) nóng không kém gì nhiệt độ tại TPHCM. Tuy nhiên, cái nóng ở sân bay Suvarnabhumi dường như dịu hơn vì sự xuất hiện của nhiều bồn hoa phong lan rực rỡ, đầy màu sắc trang trí khắp nơi. Đi tham quan các nông trại trồng phong lan của đất nước Chùa Vàng, trực tiếp thấy người nông dân canh tác phong lan bằng công nghệ kỹ thuật cao, tôi chợt nhớ đến người nông dân TPHCM nhọc nhằn với giấc mơ một ngày sẽ làm cho phong lan Việt Nam trở thành thương hiệu quốc tế.
Lạc vào vương quốc phong lan
Nếu như Hà Lan được ví là vương quốc hoa ôn đới thì Thái Lan quả không hổ với danh hiệu vương quốc hoa phong lan nhiệt đới. Ở đâu cũng thấy người dân tranh thủ từng tấc đất để trồng loài hoa vương giả này. Việc hoa phong lan được trưng bày khắp nơi trong sân bay quốc tế Suvarnabhumi cũng cho thấy một chiến lược phát triển nhằm quốc tế hóa thương hiệu phong lan của nước này.

Hoa lan “đu” cột bê-tông ở vườn lan TOC (Thái Lan).
Chúng tôi đến nông trại Siam Taiyoo ở tỉnh Samut Sakhon, cách Bangkok khoảng 36km. Đây là một trong những nông trại trồng và xuất khẩu hoa phong lan cắt cành lớn nhất nhì Thái Lan, chủ yếu là phong lan dendrobium (đa thân). Thị trường xuất khẩu chính của nông trại này là Nhật Bản (chiếm 85%), Hàn Quốc (10%), một số nước châu Âu và Mỹ (5%). Mỗi ngày, nông trại xuất đi khoảng 50.000 cành hoa phong lan. Quy trình chọn hoa, cắt hoa, xử lý vi khuẩn, bảo quản, đóng gói… trước khi đưa hoa ra nước ngoài được thực hiện tỉ mỉ, khép kín.
Có những khu vực, nhiệt độ được duy trì cao, có quạt gió hỗ trợ để hoa phong lan được khô hoàn toàn trước khi đóng gói. Ấn tượng nhất đối với chúng tôi là hầu hết các khâu trên (trừ khâu cắt hoa và chọn hoa) đều được xử lý theo quy trình công nghệ kỹ thuật cao. Tại vườn lan này còn có cả phòng lab cấy mô và lai tạo giống mới nhưng rất tiếc, chúng tôi không được phép tham quan.
Đến vườn hoa lan của Công ty Thái Orchids (TOC) ở tỉnh Ratchaburi, cách Bangkok 105km về phía Tây Nam, điều ấn tượng nhất đối với chúng tôi là đường vào các nông trại đều được trải nhựa và xe tải lớn có thể vào được tận nơi. Ở vườn lan TOC, người Thái tận dụng từng tấc đất trồng lan. Dưới mỗi tấm lưới cản ánh sáng của từng giàn, hoa lan được trồng thành nhiều tầng. Thậm chí, lan “đu” trên cả cột bê tông dùng để căng giàn. Xung quanh từng khu vực, người ta trồng các loại cây kiểng khác như cần thăng, ngà voi… vừa có tác dụng khoanh vùng, vừa bảo vệ vườn mà còn có thể thu hoạch để xuất khẩu. Cũng như Công ty Siam Taiyoo, TOC cũng có phòng lab tạo giống lan.
Có một điều khác biệt là thân cây hoa lan trên đất Thái to, cứng chắc hơn cây phong lan trồng ở TPHCM. Đây cũng là một trong những kỹ thuật nuôi trồng hoa mà nhà nông VN cần học hỏi. Mặc dù khí hậu ở TPHCM và Bangkok gần như giống nhau, điều kiện đất đai thổ nhưỡng cũng tương tự như nhau, người nông dân Việt Nam cũng cần cù và sáng tạo không kém, nhưng sao cành hoa lan Việt Nam cứ ốm yếu và không cứng cáp?
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp trồng và xuất khẩu hoa lan đều thuộc Hiệp hội Hoa phong lan Thái Lan. Hiệp hội là một tổ chức xã hội do những người trồng lan tự tìm đến với nhau, được thành lập để liên kết các nhà nông nhỏ để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm… Đây cũng là cầu nối giữa những người nông dân nhỏ với những doanh nghiệp xuất khẩu lớn, giữa nhà nước và tư nhân.
Tham gia hiệp hội, người nông dân sẽ được nhiều quyền lợi, từ trao đổi thông tin, kinh nghiệm cho đến thảo luận giá cả. Ngoài ra, hiệp hội còn cố vấn về kỹ thuật và là đơn vị bảo vệ quyền lợi nông dân. Hiện nay, số lượng thành viên của hiệp hội là hơn 1.000 hộ. Bộ Nông nghiệp chỉ là cầu nối hỗ trợ, cố vấn cho người nông dân trong những vấn đề liên quan đến xuất khẩu. Cùng với hợp tác xã, cơ quan này có vai trò chủ yếu trong việc tuyên truyền kiến thức cơ bản và truyền bá công nghệ mới cho nông dân, tạo ra những giống cây trồng mới, giới thiệu với những nhà xuất khẩu…
Ngành hoa phong lan Thái bắt đầu phát triển cách đây 40 năm. Lúc đó, hoa phong lan được nghiên cứu chủ yếu tại các trường đại học. Còn phần diện tích trồng trọt thì nông dân tự tìm hiểu điều kiện đất đai để mua hoặc thuê. Đến năm 2007, chính phủ Thái Lan mới bắt đầu có chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp xuất khẩu hoa phong lan. Nông dân Thái được tạo điều kiện tiếp cận công nghệ trồng trọt và được chính phủ hỗ trợ tiếp cận thị trường thế giới.
Nhọc nhằn cây phong lan Việt Nam
Ngành hoa kiểng của Việt Nam đã phát triển từ lâu đời nhưng hoa phong lan thì mới phát triển gần đây, chủ yếu tập trung là lan nhiệt đới ở TPHCM và địa lan ở vùng cao như Đà Lạt. Chủng loại lan ở TPHCM chỉ tập trung ở 2 loại Mokara (đơn thân) và Dendrobium (đa thân). Diện tích dành cho hoa lan của VN quá khiêm nhường, khoảng 200ha so với gần 4.000ha của Thái Lan. Diện tích nhỏ bé này chỉ giải quyết được 25% nhu cầu tiêu thụ hoa lan ở TPHCM. Hiện TPHCM đang quy hoạch diện tích trồng hoa phong lan gấp đôi diện tích hiện nay. Dĩ nhiên, với 400ha, ngành phong lan TPHCM cũng mới chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, chưa tính đến chuyện xuất khẩu.

Chọn hoa đóng gói trước khi xuất khẩu tại Thái Lan.
Về diện tích, TPHCM không có đủ đất để phát triển những vườn phong lan lớn như Bangkok. Về quy mô, chúng ta thiếu và thua hẳn Thái Lan vì họ có những công ty rất lớn, có thể quản lý từ 30 đến 50ha đất trồng phong lan. Tất nhiên, bản thân những công ty này chỉ xuất khẩu được 40% doanh số xuất khẩu hoa lan hàng năm của họ, còn 60% là thu gom từ các đối tác nằm trong hệ thống, giống như một doanh nghiệp, xoay xung quanh họ là hệ thống vệ tinh. Đây là mô hình mà ngành phong lan TPHCM cần phải học hỏi.
Theo TS Trần Viết Mỹ, Giám đốc Trung tâm khuyến nông TPHCM, với điều kiện đất đai ít, manh mún, quy mô các nhà vườn VN nhỏ bé và chưa có một công ty hay nông trại nào có diện tích khoảng 2ha cho nên chúng ta phải liệu cơm gắp mắm. Vấn đề ngành phong lan VN phải giải quyết đó là với điều kiện sản xuất nhỏ lẻ, quy mô nhỏ, phân tán như vậy, chúng ta phải chọn lựa một giải pháp phù hợp, chứ không phải cứ đi theo mô hình của Thái Lan và hướng đến xuất khẩu vội vàng trong khi cung chưa đủ phục vụ cho nhu cầu cả nước. Đã thế, hàng năm, TPHCM vẫn còn nhập khoảng gần 25 triệu cành lan để tiêu thụ tại chỗ. Theo ước tính của một số chuyên gia nông nghiệp, trong 5 năm nữa, TPHCM vẫn chưa đủ hoa để cung cấp cho thị trường trong nước.
Theo ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Củ Chi, kỹ thuật chăm sóc và nuôi trồng hoa lan của người VN so ra không thua kém người Thái Lan. Tuy nhiên, người nông dân VN phải mua tất cả, từ cây giống, vật tư, phân bón… từ Thái Lan. Cho nên, đầu vào của sản xuất hoa phong lan bị đội lên rất cao. Hiện nay, chúng ta nhập giống về, trồng rồi đưa ra tiêu thụ nội địa chứ không thể tìm đầu ra cho xuất khẩu vì giá thành cao. Nếu như mỗi cây lan ở TPHCM được bán với giá từ 50.000 đến 60.000 đồng, thì ngay tại Bangkok, chúng tôi mua được với giá cực rẻ, chỉ khoảng từ 12.000 đến 15.000 đồng/cây.
Trở lại với công nghệ tạo cây giống hoa lan, ở TPHCM có nhiều trung tâm cấy mô thuộc trường ĐH Nông Lâm, ĐH Khoa học - Tự nhiên, Viện Cộng nghệ sinh học TPHCM… Tuy nhiên, công tác lai tạo giống chưa được đầu tư và ứng dụng các tiến bộ khoa học đúng mức để đẩy nhanh tiến độ tạo ra giống mới. Nguồn giống vẫn còn lệ thuộc nhiều vào nước ngoài. Sản phẩm hoa chưa được tiêu chuẩn hóa, chưa áp dụng hiệu quả công nghệ mới để tạo ra sản phẩm có chất lượng phù hợp với đặc thù VN nên tính cạnh tranh còn thấp. Theo ông Mỹ, chất lượng cây con tạo ra của các trung tâm này vẫn chưa bằng chất lượng cây con của Thái Lan: “Họ có bí quyết riêng mà mình phải cần tìm hiểu và học hỏi”.
Bên cạnh đó, chúng ta chưa có một hiệp hội hay một tổ chức đại diện cho những người trồng lan VN. Bản thân mỗi người trồng lan đều phải tự mày mò đi tìm giống mới. Cái khó hiện nay của người nhập giống đơn lẻ là phải tự đi đến từng vườn lan của Thái để chỉ chọn được từ 1 đến 2 cây giống mà thôi. Vì cái quy trình “đơn thân độc mã” mua cây giống ở Thái Lan về trồng, nhà vườn VN đã gặp nhiều thua thiệt. Cây giống trồng lên không đạt chất lượng, không đáp ứng được yêu cầu về màu sắc, độ bền… Đã không ít lần người trồng lan mua cây giống cho hoa màu này nhưng khi về trồng ở VN thì lại ra hoa màu khác!
So với bề dày 40 năm của Thái Lan, ngành phong lan ở TPHCM chỉ mới phát triển khoảng 10-15 năm nay. Mặc dù người nông dân VN cần cù, chịu khó và rất sáng tạo, nhưng kinh nghiệm chúng ta còn thiếu, từ cách tổ chức và quy hoạch sản phẩm tại các hộ nhỏ lẻ. Vì thế, để phát triển ngành trồng lan tại VN, vẫn còn một chặng đường rất dài phía trước…
XUÂN HẠNH