Mùa Đông năm nay đến sớm, gió mùa và không khí lạnh tăng cường thi nhau đến mẹ ạ! Nhưng như thế con thấy lại hay. Ngày trước có những năm cứ đến tết là trời nắng nóng, gió nồm Nam thổi là thịt, giò thiu hết. Bây giờ có tủ lạnh bảo quản thức ăn rồi, muốn để trong thời gian bao lâu cũng được.
Sắp tết bố bận nhiều việc, ông nội cũng yếu đi nhiều, vì thế mấy năm nay cả nhà quyết định mua bánh chưng gói sẵn ngoài chợ. Con thấy bánh ăn khá dẻo, chỉ có điều vẫn không ngon như ông nội thường làm, lại không có cảm giác hồi hộp, hớn hở ngồi canh nấu bánh chưng dưới bếp như những ngày con còn nhỏ. Mỗi lần như thế, mẹ thường xếp rơm trải ổ cho con nằm. Con khi ấy gối đầu lên đùi mẹ, mắt lim dim hưởng thụ cảm giác buồn buồn khi mẹ luồn tay vào từng lọn tóc tìm bắt con chấy. Trời mưa phùn rét căm căm, mỗi lần muốn tắm gội phải đun một nồi nước to tướng mới đủ. Con cực kỳ sợ lạnh. Con lười biếng. Mấy ngày liền không gội đầu, tóc có mùi hôi bết dính, thỉnh thoảng lại bị mẹ cốc cho một cái rõ đau.
Củi khô cháy sáng bừng cả góc bếp, con nằm đấy mà nóng rực cả người, hai má đỏ hâm đỏ hia như hai quả đào chín mọng. Lạ thay, mấy con mát, con mò không khiến con bị ngứa hay khó chịu gì cả.
Năm nào cũng vậy, khoảng 26, 27 Tết là bố ra chợ chọn một cành đào nhiều nụ, một cây quất sai quả nhất về đặt giữa trung tâm phòng khách. Bao nhiêu năm vẫn thế! Con không bỏ được tính tò mò là ngắt những quả quất chín vàng đỏ mọng nhất, vừa đếm, vừa xếp chúng ngay ngắn dưới nền nhà. Con vui vẻ cười híp cả hai mắt, còn bố thấy cảnh đó thì gõ vào cái tay hư của con một cái rõ đau. Nhưng con không thấy buồn. Cảm giác bố vẫn đánh, vẫn mắng là vẫn còn quan tâm tới con. Chứ bình thường bố đi làm quanh năm, chỉ được nghỉ có mấy ngày tết. Đến Mùng Ba, Mùng Bốn lại vội vội vàng vàng xếp đồ vào ba lô, con thèm được bố quan tâm lắm mẹ ạ!
Năm nào nhớ mẹ con cũng bảo bà muối hành, nhưng bà không muốn muối. Bà bảo bây giờ hành đắt lắm, muối nhiều ra không có người ăn. Lãng phí. Bà nấu thịt đông thì để lay lắt bữa nọ qua bữa kia, ăn mãi không hết, cuối cùng bà phải đổ bỏ đi. Con thấy tiếc lắm! Món giò xào giờ cũng ít người ăn, bố cũng lười làm hẳn. Bố bảo chạy ù ra chợ mua cho nhanh, lại nhàn. Thời buổi kinh tế phát triển, cái gì cũng giải quyết được bằng tiền mẹ nhỉ.
Dạo trước khi đi tết nhà các ông, các bà bố thường chở con bằng xe đạp, trên tay lái có đeo chiếc làn nhựa đựng mấy cặp bánh chưng. Giờ người ta ít tết nhau bằng bánh chưng rồi mẹ ạ! Họ nói nhỏ với nhau rằng, gớm chạy ù ra quán mua cho nhanh. Cầm hộp bánh, cân đường đựng trong túi bóng nhìn oách hơn.
Bây giờ phú quý sinh lễ nghĩa, người ta cũng lịch sự hơn, cho tiền vào trong bao lì xì đỏ chứ không chìa tiền mừng tuổi ra trước mặt người khác như dạo trước nữa mẹ ạ! Lũ trẻ tụi con ngày trước được mừng tuổi năm, mười nghìn là quý lắm rồi! Còn bây giờ ai cho bao lì xì, tụi nó mở ra trước mặt người ta luôn. Nếu số tiền bên trong có giá trị lớn, chúng cười tươi hớn hở. Còn nếu không được như kỳ vọng, chúng sẽ bĩu môi khinh thường.
Nhìn cảnh đó con không thể không nghĩ, bây giờ vật chất quan trọng đến thế sao. Có thể quyết định cả thái độ sống của một đứa trẻ với tuổi đời vắt mũi chưa sạch. Xã hội phát triển kèm theo nhiều thứ thay đổi, ngay cả tình cảm của người với người cũng được quyết định bởi màu của một tờ polime hay sao. Lì xì chỉ là lời chúc nhau an khang, mạnh khỏe đầu năm mới. Đâu phải là chiếc cân dùng để cân đo đong đếm món hàng ngoài chợ.
Sự giáo dục của người làm cha làm mẹ rất quan trọng. Chỉ cần đứa trẻ hiểu sai một vấn đề tế nhị nào đó, chắc chắn sẽ gây hậu quả khôn lường cho mai sau. Vì vậy con nghĩ, trước tiên những người được gắn mác người lớn nên quý trọng, gìn giữ những gì thuộc về quá khứ, và lấy nó làm tiền đề để xây dựng kinh tế, xã hội phát triển hơn. Chứ người lớn còn chán ngán tết, thì tụi trẻ tụi con làm sao có thể có một tuổi thơ thực sự đẹp được.
Con năm nay hai mươi tuổi rồi, sống xa mẹ được gần mười lăm năm. Mái nhà xưa nay đã được xây mới, con chẳng cần gì nhiều, chỉ cần mẹ về với con thôi. Mẹ kiếm ít tiền đi, rồi về với con và bố mẹ nhé! Con, bố và cả nhà nhớ mẹ nhiều lắm! Con yêu mẹ.
LOAN TRẦN