Hễ thi là đoạt giải
Tại lễ trao giải Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia TPHCM lần II - năm 2023, một lần nữa, Trần Văn Thiên (vừa tốt nghiệp ngành Bác sĩ Răng hàm mặt, Trường ĐH Y Dược TPHCM) lại đoạt giải nhất. Lần này, anh được vinh danh ở thể loại truyện ngắn với tác phẩm Cánh từ bi lặng im. Đây là truyện ngắn xúc động, được viết chắc tay và theo nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM - Trưởng Ban chung khảo cuộc thi, truyện ngắn này đã “đưa người đọc vào một miền ngổn ngang của những dằn vặt, những bịn rịn và những lưu luyến, phơi bày nghẹn đắng của kiếp người”.
Tác phẩm kể về cuộc đời đầy những ngang trái của nhân vật Út Đào trong những ngày rong ruổi cùng gánh hát Hồng Hạc “để hóa trang cho nghệ sĩ, lo cơm nước và có lần còn đỡ đẻ cho một đào hát trong đoàn giữa dầm dãi gió mưa”. Qua những con chữ được chắt lọc kỹ lưỡng, cuộc đời của Út Đào dần dần được mở ra, có cả những nỗi đau đến từ thân phận của một người yếu thế lẫn niềm hạnh phúc khi khát khao cháy bỏng phần nào được toại nguyện. “Tôi bắt đầu viết truyện ngắn gần đây, và Cánh từ bi lặng im nằm trong số những truyện ngắn đầu tay. Truyện được gợi cảm hứng sau khi tôi đọc xong một bài báo về nghề trang điểm. Thông qua truyện ngắn này, tôi cũng muốn lồng vào đó bộ môn nghệ thuật tuồng Đào Tấn quê mình”, Trần Văn Thiên chia sẻ.
Văn chương giúp tôi có một cái nhìn điềm tĩnh và trưởng thành hơn trong cách tư vấn cho bệnh nhân, trong cách cư xử hàng ngày; đồng thời, giúp tôi thông cảm và yêu thương bệnh nhân nhiều hơn - BS TRẦN VĂN THIÊN
Ngoài giải nhất truyện ngắn, cũng tại Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia TPHCM lần II, Trần Văn Thiên còn đoạt giải nhì thể loại tản văn với tác phẩm Rễ của sông. Trước đó, trong mùa giải lần thứ nhất, anh cũng nhận giải nhất ở hạng mục Thơ với chùm thơ 3 bài, gồm: Soi mình lên nước mắt, Giữa lòng đêm và Bay trên đồi dương liễu. Cùng với đó là giải khuyến khích cuộc thi Thơ - Văn Bình Định và cuộc thi viết tạp bút “Về nhà” do NXB Hội Nhà văn - chi nhánh miền Nam tổ chức.
Cân bằng giữa văn chương và khoa học
Những năm cấp 2, dù có tên trong đội tuyển học sinh giỏi môn Toán, nhưng Trần Văn Thiên lại có thêm niềm yêu thích với văn chương. Anh đọc những sáng tác trên báo dành cho học trò hay tìm đọc những cuốn sách trong thư viện của trường. Lên cấp 3, do học trường chuyên Lê Quý Đôn nên Trần Văn Thiên chuyển từ Tuy Phước (Bình Định) ra TP Quy Nhơn trọ học. Thời gian này, anh chú tâm cho văn chương nhiều hơn, tham gia viết bài cho tập san Áo Trắng và trở thành thành viên của Gia đình Áo Trắng Quy Nhơn, nhận được lời góp ý và động viên từ nhà văn Đoàn Thạch Biền.
Trần Văn Thiên nhớ lại: “Tôi học chuyên Toán, thường xuyên tham gia đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh và quốc gia nên việc học khá bận rộn. Những lúc cảm xúc mạnh, tôi thường tranh thủ để viết. Tôi nhận ra trong mình có hai con người thuộc về hai lĩnh vực là Toán và Văn”. Khi được hỏi về việc có tập trung nhiều thời gian cho văn chương, để có thể tiến xa và được nhiều người biết đến hơn, Trần Văn Thiên cho biết, anh không có ý định thay đổi con đường mà mình đang đi. Bởi ngay từ lúc mới bắt đầu viết, anh đã xác định cho mình vừa theo con đường khoa học vừa viết, cố gắng cân bằng hai lĩnh vực có vẻ như trái ngược nhau này. “Giống như trong 6 năm học ở trường đại học, tôi vừa có thể chạy lâm sàng, thi cử và học hành rất tốt nhưng vẫn viết được. Tôi muốn hướng tới hình ảnh một bác sĩ giỏi nhiều hơn là có một thành tựu gì đó trong văn chương. Văn chương là nơi tôi được theo đuổi và thể hiện đam mê của riêng mình, tôi không muốn làm ảnh hưởng đến công việc chính”, Trần Văn Thiên bộc bạch.
Ngay lúc nhận bằng tốt nghiệp vào tháng 10-2023, Trần Văn Thiên đã lên kế hoạch tiếp tục học chứng chỉ hành nghề bác sĩ kéo dài 18 tháng. Dẫu vậy, anh vẫn theo đuổi văn chương theo cách riêng của mình, bởi theo anh, không riêng gì văn chương mà bất kỳ ngành nghề nào cũng cần phải có cảm xúc thì mới có thể làm việc trôi chảy và hiệu quả được. Anh bày tỏ: “Văn chương giúp tôi cân bằng những căng thẳng, những cường độ cao trong công việc của một bác sĩ răng hàm mặt. Sau giờ làm việc, tôi sẽ dành hết tâm trí của mình cho văn chương. Khi đó, tôi sẽ viết được nhiều hơn. Tôi cảm thấy lúc mình bận rộn với công việc là lúc tôi viết được nhiều hơn so với lúc hoàn toàn không làm gì hết”.