Chặn từ gốc nạn buôn lậu qua đường hàng không

Thị trường vận tải hàng không đang phát triển mạnh mẽ với hàng trăm chuyến bay quốc tế đi, đến các cảng hàng không lớn trên cả nước mỗi ngày.

Chỉ riêng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất mỗi ngày có hơn 150 chuyến bay quốc tế đi và đến, cùng lưu lượng hành khách gần 40.000 người. Nếu không quản lý chặt chẽ, nạn buôn lậu qua đường hàng không sẽ ngày càng khó ngăn chặn.

Trên thực tế, thị trường mua bán hàng hóa buôn qua đường hàng không diễn ra sôi động với tên gọi quen thuộc là hàng xách tay. Hàng hóa không chỉ được chào bán trên mạng mà còn được bày bán trực tiếp tại các cửa hàng, mặc cho việc kiểm tra nguồn gốc hàng hóa của lực lượng chức năng vẫn triển khai đều đặn. Phố Nguyễn Sơn ở Hà Nội - nơi có trụ sở của Cục Hàng không Việt Nam và nhiều doanh nghiệp ngành hàng không - được mệnh danh là “phố hàng xách tay”, người tiêu dùng có thể mua bất cứ loại hàng gì, từ món đồ giá trị cao đến hàng tiêu dùng thông thường.

Hàng hóa xách tay được người mua ưa chuộng do giá thành rẻ hơn nhiều (do trốn thuế) so với hàng nhập khẩu chính ngạch. Những mặt hàng chịu thuế nhập khẩu càng cao thì càng được “xách tay” nhiều như rượu, thuốc lá, nước hoa. Thậm chí, có những loại hàng không phổ biến, khách chỉ cần đặt hàng và sau 1 tuần sẽ nhận được nhờ những đường dây, đầu mối gom và vận chuyển hàng xách tay chuyên nghiệp. Theo lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM, những năm gần đây, đường hàng không đã trở thành một trong những tuyến trọng điểm mà các đối tượng tội phạm lợi dụng để vận chuyển trái phép các chất cấm từ nước ngoài về Việt Nam với nhiều thủ đoạn phức tạp, khó lường.

Tính “chuyên nghiệp” của các đường dây hàng xách tay cũng như sự tồn tại ngang nhiên, lâu dài của tình trạng buôn lậu qua đường hàng không là sự thách thức đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Nhìn nhận vấn đề này, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho rằng cơ quan quản lý hàng không đã có rất nhiều quy định về phòng, chống buôn lậu qua đường hàng không; các hãng cũng đã có những quy định riêng khá chặt chẽ về vấn đề này, thậm chí có quy định về việc kiểm tra đột xuất hành lý tổ bay trước và sau khi kết thúc chuyến bay. Tuy nhiên, vẫn còn có những lỗ hổng trong quản lý, nằm ở khâu thực thi.

Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đã ký quyết định lập tổ công tác liên ngành với nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý các thông tin về buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế. Đây là quyết định cần thiết và kịp thời.

Khi quy định, giải pháp đã đầy đủ mà buôn lậu qua đường hàng không vẫn không được ngăn chặn có hiệu quả thì chắc chắn là do khâu thực hiện không nghiêm, quản lý, giám sát không chặt chẽ. Và lúc đó, dứt khoát phải xử lý nghiêm người vi phạm, đồng thời xem xét trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Tin cùng chuyên mục