Chẩn trị “rác văn hóa” - Bài 4: Bội thực bởi “sáng tạo”

Những sản phẩm văn hóa đáp ứng thị hiếu giải trí của khán giả ngày càng đa dạng. Trong sự thịnh hành đó, để cạnh tranh buộc phải có những yếu tố mới lạ, hấp dẫn người xem. Và lằn ranh giữa sự phá cách, sáng tạo nghệ thuật và phản cảm, lố lăng trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Chẩn trị “rác văn hóa” - Bài 4: Bội thực bởi “sáng tạo”

Giữa muôn trùng “sách rác”

Những năm gần đây, chất lượng nội dung xuất bản phẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, chủ trương xã hội hóa xuất bản, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các đơn vị xuất bản tư nhân, đã tạo diện mạo mới cho ngành xuất bản trong nước. Tuy vậy, riêng năm 2020, thông tin từ Cục Xuất bản, In và Phát hành cho thấy, cục đã xử lý 39 xuất bản phẩm vi phạm, trong đó có 36 xuất bản phẩm vi phạm nội dung. 

Việc xử phạt hầu như năm nào cũng có, nhưng tình trạng vi phạm vẫn tiếp diễn. Hệ quả là thị trường xuất hiện không ít ấn phẩm đầy “sạn”, kém chất lượng hoặc có nội dung nhảm nhí. Năm 2020, không ít xuất bản phẩm sau thời gian lưu hành trên thị trường đã bị độc giả phát giác nhiều sai phạm khác nhau.

Chẳng hạn, cuốn Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam (Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ văn hóa Minh Long và NXB Đại học Quốc gia Hà Nội) của nhóm tác giả Đặng Thúy Hằng, Dương Thị Dung, Nguyễn Thảo Nguyên vi phạm bản quyền; cuốn Đánh vần tiếng Việt (NXB Dân Trí, của Nguyễn Công và Thành Luân) có nội dung phản cảm và nhiều lỗi sai nghiêm trọng.

Cá biệt có Bùi Xuân Huấn (còn được biết với tên gọi Huấn “Hoa hồng”) đã tự biên tập, xuất bản 2 cuốn Đệ nhất kiếm tiền và Bí kíp kinh doanh online mà không thông qua cơ quan chức năng hay nhà xuất bản nào. 

Vào năm 2015, trước sự “tấn công” của dòng sách ngôn tình, mặc dù Cục Xuất bản, In và Phát hành đã tạm dừng cấp phép xuất bản cho dòng sách này. Tuy nhiên, sau một thời gian, câu chuyện đâu lại vào đấy. Trên thực tế, dòng sách ngôn tình vẫn bày bán công khai tại các vị trí đắc địa ở các nhà sách. Sách xuất bản đầu năm, vài tháng sau giảm giá mạnh, hoặc được bán đồng giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, 30.000 đồng, thậm chí bán theo cân.

Độc giả Hoài Thanh (phường 13, quận Bình Thạnh, TPHCM) bày tỏ: “Thực ra, không phải truyện ngôn tình nào cũng xấu, nhảm nhí. Tuy nhiên, những cuốn sách của một số tác giả như Diệp Lạc Vô Tâm, Thánh Yêu, Ân Tầm… lại méo mó, phi đạo đức với những câu chuyện tình dục bệnh hoạn, cổ xúy hiếp dâm, bạo lực. Tôi rất mong các đơn vị làm sách có sự nghiêm túc và chặt chẽ trong khâu kiểm duyệt đề tài và nội dung tác phẩm. Bởi vì rất có thể trong số độc giả những cuốn sách trên có những em 12-13 tuổi”.

Ngoài những đầu sách có nội dung nhảm nhí, sách giả, sách lậu in cẩu thả, thiếu trước hụt sau, nhầm trang, bung gáy, kể cả vi phạm bản quyền, cũng có thể xem là một “biến thể của sách rác”. Điều đáng nói là hiện nay loại sách này đang bày bán rầm rộ tại các cửa hàng lẫn các kênh trực tuyến.

Theo thông tin mới nhất được Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News cung cấp cho báo chí, đơn vị này đã khởi kiện Lazada (thuộc Tập đoàn Recess - Alibaba) về hành vi vô trách nhiệm trong việc kiểm tra, quản lý hoặc cố tình làm ngơ để cho các gian hàng trên Lazada kinh doanh sách giả. Tòa án nhân dân TPHCM đã triệu tập phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải vào ngày 21-5-2021. Tuy nhiên chỉ có đại diện First News có mặt, còn Lazada xin vắng. 

Khi đề cập đến vấn đề luật pháp liên quan đến việc xử lý đối tượng làm sách giả, sách lậu, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News, cho rằng, luật hiện chưa chặt chẽ; các cơ quan chức năng và xử lý vẫn chưa coi sách giả là một vấn đề quan trọng. Việc xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe. Bởi lợi nhuận từ việc làm sách giả, sách lậu quá lớn, người vi phạm thừa tiền để làm hàng trăm vụ chứ không phải một vụ. 

PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, cho rằng, nền kinh tế thị trường có những mặt trái, trong khi hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông mới, đã khiến chúng ta có những trải nghiệm rất khác trước và nhiều khi những giải pháp quản lý hữu hiệu trước kia lại không thể áp dụng cho giai đoạn hiện tại. 

Ông chia sẻ: “Không thể phủ nhận những cách nghĩ, cách làm, sáng tạo đó giúp ích rất nhiều cho xã hội. Và trong lĩnh vực giải trí, những cái khác lạ này có thể tạo ra sự hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng vì bản chất của giải trí vốn hướng đến những điều mới mẻ, khác lạ và hấp dẫn. Tuy nhiên, trong số những cái khác lạ, hấp dẫn bề ngoài đó, rất nhiều thứ không phù hợp, không được chọn lọc, không có giá trị, đặc biệt về mặt đạo đức, chỉ để chiều theo thị hiếu giải trí tầm thường”.

Lợi dụng mác “nghệ thuật đương đại”

 Nhạc trẻ hiện tại của Việt Nam biến đổi rất nhiều do ảnh hưởng từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là làn sóng Hallyu (làn sóng văn hóa đại chúng Hàn Quốc) và văn hóa đại chúng của Mỹ. Có thể thấy, thời điểm hiện tại, hầu hết những bản nhạc trẻ ở Việt Nam ít nhiều chèn vào một đoạn nhạc rap (sự tiếp biến từ văn hóa đại chúng Mỹ) và được dàn dựng bối cảnh, phục trang giống như những idol (thần tượng) K-pop. 

Trong sự tiếp biến văn hóa thế giới, để bắt xu hướng, kịp trào lưu, những MV ca nhạc ngày càng được ca sĩ trẻ đầu tư với những cảnh quay đẹp, thậm chí ở nước ngoài và trang phục từ chỉn chu đến cầu kỳ. Thay vì tôn vinh văn hóa truyền thống để làm nên một bản sắc riêng của người Việt, không ít MV của ca sĩ hiện nay là một sự hỗn tạp văn hóa “Tây - Ta - Tàu”. Có thể thấy qua một MV cổ trang nhưng chỉ toàn cổ phục Trung Quốc cùng câu chuyện tình đam mỹ xa lạ với lịch sử dân tộc, nhưng lại chọn mở màn bằng 4 chữ làm gợi nhớ Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Một bài hát chỉ đẹp về phần hình ảnh thì đó là một sự thất bại, và thất bại ở đây lại càng đau hơn khi văn hóa truyền thống, cổ phục Việt gần như chìm vào quên lãng mà chỉ có văn hóa của nước ngoài. Mang danh “nghệ thuật đương đại” và chỉ sau 2 tháng phát hành, MV này được hơn 5 triệu lượt xem. Phải chăng chỉ cần gắn mác “nghệ thuật đương đại” thì người ta muốn sáng tạo hay thể hiện bất kỳ điều gì cũng được? 

Rầm rộ từ năm ngoái đến năm nay, nhạc rap có một sức hút mạnh với giới trẻ vì sự sôi nổi, tươi mới qua từng giai điệu, ca từ… Những từ dễ nghe, dễ cảm đến mức dễ dãi, suồng sã của nhạc rap gần như bộc lộ rõ trong thời gian qua.

Mới đây, MV Mẩy thật mẩy của rapper BigDaddy vừa ra mắt có thể nói là không thể nào thô và tục hơn, khi cơ thể phụ nữ lại trở thành trung tâm của bài nhạc. Những câu hát: “Em ghét mùa đông vì em nóng bỏng và luôn hở hở hang hang/Em thích đàn ông phải luôn nhắm thẳng vào chỗ nở nở nang nang/Em lồng lộn với anh là đúng gu/Thương em vất vả nâng cấp rồi trùng tu/Thương em nên chảy dãi mỗi khi em lột đồ/1 người ngon đét là 2 người cùng vui”… khiến người nghe không hề thấy gợi cảm mà đầy gợi dục.

Chẩn trị “rác văn hóa” - Bài 4: Bội thực bởi “sáng tạo” ảnh 1 MV Mẩy thiệt mẩy của rapper BigDaddy có những hình ảnh phản cảm vẫn đạt trên 2 triệu lượt xem
Giữa thời buổi YouTube và lượt xem, Top Trending trở thành công cụ, thước đo thành bại của sản phẩm âm nhạc, khiến không ít nghệ sĩ lên ý tưởng những mong thực hiện được những MV độc đáo, nóng bỏng, thu hút người xem. Yếu tố “cảnh nóng”, lời bài hát phải “gắt”, cả tên bài hát cũng phải chất chơi… là lựa chọn của không ít nghệ sĩ khi thực hiện sản phẩm.

Đã có những MV chủ đề nhạy cảm ra đời với cách đặt tựa thô thiển, như: Như lời đồn, Nắng cực, Như cái lò, Thu dẩm, Em muốn cho anh xem này… MV Sexy Girl của L.M. có màn “quan hệ” ngay trong ô tô, MV Vô ra ra vô của K.T. ngập tràn pha ân ái bạo liệt, MV Sao em nỡ vội của K.V. có cảnh diễn viên nữ trần trụi với bạn trai dưới vòi sen… Không chỉ “cảnh nóng”, nhiều MV còn lạm dụng cảnh bạo lực với các màn phóng hỏa, đâm dao, bắn súng… Hình ảnh trong MV Sao em nỡ vội rất đáng sợ, không ít người xem chỉ cảm nhận nó khơi gợi lòng hận thù. Rõ ràng, những “cảnh nóng”, bạo lực trong các MV thời gian qua phần lớn không truyền đi thông điệp nhân văn hay mang lại ý nghĩa đặc biệt nào.

Khi nhận những góp ý hoặc chỉ trích từ một bộ phận khán giả, không ít nghệ sĩ lên tiếng rằng đây là sự sáng tạo không giới hạn, và nghệ thuật đương đại cho phép người ta sáng tạo vượt khuôn khổ, chuẩn mực.

Chị Nguyễn Tường Lam (29 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) ngán ngẩm nói về MV Mẩy thật mẩy: “Thật sự rất khó chấp nhận một MV ca nhạc mà trong đó ngập hình ảnh các cô gái mặc đồ kiệm vải, khoe da thịt liên tục thực hiện các động tác nhảy múa sexy, đung đưa vòng 1, vòng 3 trước ống kính quá táo bạo, kích thích. Tôi không thấy một chút giá trị nghệ thuật nào ở đây cả”. 

Đừng nhân danh bất cứ điều gì cho những ca từ thô và tục kia là nghệ thuật đương đại. Những sản phẩm như thế này chỉ có thể là “rác văn hóa” chứ không bao giờ là nghệ thuật.

Tin cùng chuyên mục