Chặn “tín dụng đen”

Cơ quan chức năng đã và đang vào cuộc ngăn chặn, đẩy lui “tín dụng đen”, với quyết tâm cắt cho được “vòi bạch tuộc” của các băng nhóm, đối tượng. Trước sự quyết liệt từ các cấp chính quyền, “tín dụng đen” tạm thời thu mình lại và gần đây đã biến tướng theo phương thức ứng dụng công nghệ 4.0 (“tín dụng đen” 4.0).

Phương thức hoạt động tinh vi

Ngày 24-4, Công an quận 4 (TPHCM) đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Đỗ Minh Hải cùng 4 người khác về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Kết quả điều tra cho thấy, Hải điều hành Công ty TM 24H, Công ty ATM Online (cùng hoạt động tại số 261-263 Phan Xích Long, quận Phú Nhuận), thuê người làm giám đốc 2 công ty. Hải phân công việc cụ thể cho từng người trong công ty và hoạt động “núp bóng” doanh nghiệp tư vấn tài chính, dịch vụ cầm đồ; sử dụng công nghệ cao để cho vay trực tuyến.

Nhóm của Hải lập các hợp đồng cho vay cầm cố, hợp đồng tư vấn, hợp đồng cầm cố tài sản (với nội dung thuê lại tài sản cầm cố ) không có thật nhằm chia nhỏ lãi suất thành lãi suất cơ bản nhỏ hơn 20%/năm, phí dịch vụ tư vấn, phí dịch vụ, phí nền tảng, phí cầm cố tài sản hơn 80%/năm. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định đường dây này giải ngân gần 4.000 tỷ đồng cho 738.000 lượt vay và đã thu về gần 4.700 tỷ đồng.

O4b.jpg
Công an tống đạt các quyết định tố tụng với nhóm hoạt động cho vay lãi nặng của Đỗ Minh Hải

Hiện nay, phương thức, thủ đoạn hoạt động của “tín dụng đen” hết sức tinh vi, gây khó khăn cho công tác điều tra xử lý. Sau khi bị công an trấn áp mạnh, băng “tín dụng đen” chuyển từ hình thức rải tờ rơi sang hình thức cho vay qua ứng dụng (app) dùng cho điện thoại. Các băng nhóm này dùng mạng xã hội để quảng cáo rầm rộ, dụ dỗ người có nhu cầu vay tiền tự liên hệ và “vẽ ra” các loại phí dịch vụ để cắt xén tiền từ khoản vay. Nhiều người bị vướng vào nợ nần do vay nợ qua app mà không nghĩ tới lãi suất từ 2,5%-5%/ngày, thậm chí 900%-2.000%/năm. Người dân nếu không có khả năng chi trả thì sẽ bị các đối tượng này bán “nợ” cho công ty luật, công ty tài chính để đòi nợ theo kiểu “khủng bố”, bị ảnh hưởng nặng nề đến uy tín.

Theo Công an TPHCM, “tín dụng đen” thời 4.0 nhắm tới người dùng điện thoại thông minh, người dùng mạng internet, có nhu cầu vay vốn; chưa có tài sản thế chấp, không đủ điều kiện vay ở tổ chức tín dụng, ngân hàng. Các băng nhóm này nhắm tới sinh viên, người lao động, công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất, tiểu thương, người kinh doanh nhỏ và vừa…

Phương thức, thủ đoạn của “tín dụng đen” 4.0 là xây dựng các trang web, app chạy quảng cáo trên Facebook, Zalo, TikTok; phát tờ rơi quảng cáo dùng số hotline nhằm tìm kiếm người có nhu cầu vay. Khi người vay tiền gọi điện thoại đến số hotline, họ sẽ được tư vấn về lãi suất, thời hạn vay, cách thức đóng tiền lãi, gốc, phí dịch vụ. Đặc biệt là không cần thế chấp tài sản, chỉ cần có CCCD, hình ảnh, thế chấp bằng danh bạ điện thoại, hình ảnh, video, clip khỏa thân.

Cần làm gì khi bị tín dụng “khủng bố”

“Tín dụng đen” 4.0 hoạt động lén lút, trao đổi trong nhóm kín, không minh bạch, liên quan đến người nước ngoài; sử dụng khoa học, công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp cho vay trực tuyến. Khi người dùng cài đặt app vay tiền và để lại thông tin cá nhân, sẽ có người liên hệ, mời chào cho vay.

Trung tá Nguyễn Thành Hưng, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TPHCM, đề nghị người dân nâng cao tinh thần cảnh giác để nhận biết, không tham gia giao dịch với tội phạm liên quan hoạt động “tín dụng đen”; báo tin, tố giác đến công an về web, số điện thoại có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”; hành vi khủng bố tinh thần, đe dọa đòi nợ…

Nếu người dân bị các đối tượng “khủng bố”, vu khống đòi nợ thì nên ghi âm cuộc gọi, lưu hình ảnh, tin nhắn… để làm chứng cứ. Khi sử dụng trang mạng xã hội, app trên điện thoại hoặc giao dịch trên trang web, người dân nên chú ý đến việc bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân, tránh để đối tượng thu thập, khai thác sử dụng vào mục đích xấu như đòi nợ, lừa đảo.

Bên cạnh đó, cơ sở kinh doanh in ấn, photocopy từ chối hoặc báo tin đến công an về các đối tượng có hoạt động thuê in ấn, photocopy số lượng lớn tờ rơi, card visit có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”. Tiểu thương, hộ kinh doanh có nhu cầu vay vốn phải tìm hiểu kỹ lãi suất vay, khả năng trả nợ; các kênh vay vốn như ngân hàng, quỹ tín dụng, quỹ đoàn, hội để thực hiện hồ sơ vay hiệu quả, an toàn. Người dân khi cần nguồn vốn làm ăn và kinh doanh nên liên hệ ngân hàng, tổ chức tài chính được cơ quan chức năng cấp phép để được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp. Tuyệt đối không vay tiền qua app, web… hoạt động trái phép để tránh bị lộ, lọt thông tin, danh bạ điện thoại, hình ảnh cá nhân, tạo cơ hội để tội phạm lợi dụng gọi điện thoại “khủng bố”, quấy rối, đến nhà tạt chất bẩn gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và có thể bị bán nợ (hoặc thông tin) cho bên thứ 3 (công ty núp bóng đòi nợ thuê) thực hiện các hoạt động phạm tội hoặc vi phạm pháp luật khác.

Theo Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TPHCM, tội phạm liên quan “tín dụng đen” diễn biến phức tạp. Năm 2023, công an đã phát hiện, xử lý 263 vụ với 404 đối tượng; quý 1-2024 xử lý 63 vụ với 115 đối tượng. Các đối tượng hoạt động có tổ chức, dưới hình thức các băng nhóm núp bóng doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao cho vay trực tuyến qua app (đã triệt xóa 27 app cho vay “tín dụng đen” như: Goldvay, sugarvay, findong, wellvay, cfcash, baovay…); nhiều vụ việc các đối tượng cho vay lãi suất lên đến 900%/năm, một số vụ đối tượng sử dụng vũ khí.

Tin cùng chuyên mục