Chấn thương thể thao - những điều cần biết

Các hoạt động thể dục thể thao giúp cơ thể dẻo dai, săn chắc, tăng sức đề kháng và sảng khoái tinh thần. Tuy nhiên, một số chấn thương trong lúc chơi thể thao có thể để lại nhiều di chứng nặng nề nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách. 
Chấn thương thể thao - những điều cần biết

Chấn thương thể thao thường gặp chủ yếu là chấn thương hệ thống cơ, xương, khớp và các mô liên quan như sụn, dây chằng. Chấn thương ở chân thường gặp hơn ở tay. Tùy theo loại chấn thương, vị trí và mức độ nghiêm trọng mà có những xử trí chấn thương khác nhau. 

Đối với những chấn thương mới gặp phải, có thể áp dụng phương pháp RICE để sơ cứu chấn thương cơ bản.

Theo đó, R-Rest (nghỉ ngơi): Hạn chế vận động ở vùng chi bị thương. Cần tạm ngừng các hoạt động thể thao, đồng thời giảm tối đa thời gian di chuyển, vận động để xương khớp được nghỉ ngơi hoàn toàn. I-Ice (chườm lạnh): nhiệt lạnh rất hữu ích trong việc kiểm soát tình trạng sưng, viêm cũng như giúp giảm đau rất nhiều, chườm cách 2-3 giờ/lần, mỗi lần chườm 15-30 phút trong vòng 3 ngày đầu xảy ra chấn thương. C-Compress (băng ép): băng bó, ép chặt nhẹ vùng chấn thương bằng băng thun co giãn giúp hạn chế sưng. Chú ý cách quấn tròn chi hay quấn kiểu số 8 ở vùng khớp, cũng như lực quấn không quá chặt. E-Elevate (kê cao chi): kê phần chi bị thương cao hơn so với toàn bộ cơ thể có tác dụng trong việc giảm sưng, đau và viêm.

Sau thời gian xử trí ban đầu bằng phương pháp RICE, nếu các triệu chứng không giảm nhiều, cần đến khám bác sĩ chuyên khoa để xác định có cần điều trị bổ sung giúp hồi phục hoàn toàn chấn thương hay không.

Với những trường hợp gãy xương, có thể cần phải phẫu thuật để giúp cố định xương trở lại vị trí ban đầu. Khi quá trình điều trị gần hoàn tất, một liệu trình vật lý trị liệu sẽ được đề ra cho mỗi cá nhân riêng biệt, giúp cải thiện tính linh hoạt của khớp và chuyển động của chi gãy, tránh teo cơ, tăng cường tuần hoàn tĩnh mạch cũng như bổ sung chất dinh dưỡng đến xương gãy. Người đang điều trị chấn thương nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và tuân thủ lượng canxi được khuyến khích giúp giảm nguy cơ bị gãy xương, điều này sẽ giúp xương chắc khỏe và giữ cho cơ thể cân đối và khỏe mạnh.

Th.S-BS HUỲNH PHƯƠNG NGUYỆT ANH, 
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Tin cùng chuyên mục