Vòng lặp bạo lực
Từ Kiên Giang, chị N. một mình lặn lội lên TPHCM, tìm chuyên gia tư vấn tâm lý vì chị và bé con 3 tuổi liên tục bị chồng đánh. Chồng chị rất giỏi giang ngoài xã hội, kiếm nhiều tiền nhưng dễ nóng giận, hở ra là đánh vợ, đánh con, thậm chí đánh cả khách hàng, sếp, đồng nghiệp.
Nhận thấy có nhiều chi tiết phức tạp hơn còn ẩn dưới vấn đề, chuyên gia tư vấn yêu cầu gặp người chồng. Qua trao đổi, chuyên gia phát hiện bản thân anh B., chồng chị N. có rất nhiều tổn thương tâm lý thời thơ ấu: Khi anh B. 3 tuổi thì mẹ mất, hai tháng sau, bố lấy vợ sau. Ở cái tuổi lên 3, nỗi đau mẹ mất, không chấp nhận một người phụ nữ khác thay thế vị trí của mẹ, anh B. trở thành một đứa trẻ hỗn hào. Bố anh đánh anh rất nhiều, càng đánh anh lại càng lì và hung hăng. Sau này lớn lên, lấy vợ, cái lì và hung hăng trong anh dường như mất kiểm soát.
30 tuổi, chưa một mối tình, không dám kết hôn và sinh con là tình trạng của chị L. (ngụ TPHCM) khi sống trong gia đình có người mẹ bạo hành tài chính. Cha mẹ chị L. ly hôn khi chị 10 tuổi, mẹ lấy người chồng sau nhưng rồi cũng nhanh chóng tan vỡ lần 2 vì cái tính “gì cũng quản” của mẹ chị L. Cả tuổi thơ 2 chị em L. luôn phải giấu “quỹ đen” dù chỉ để mua bánh kẹo trong căn tin, xin tiền đóng học phí học cũng luôn trong trạng thái sợ hãi dù lúc này mẹ có thu nhập khá giả.
Chị L. nói: “Đến giờ 30 tuổi, nếu không nộp hết lương mẹ sẽ ra đường la ầm lên là chị đối xử tệ bạc. Nộp hết cho mẹ rồi thì đến cây kẹp tóc, bàn chải đều phải ngửa tay xin và đều bị nhiếc mắng”. Lý giải được lý do mẹ thích thao túng tài chính, thích được người khác lệ thuộc vì ông bà ngoại có hơn 10 người con, mẹ phải lớn lên và mưu sinh trong thời chiến rất cơ cực nên bị ám ảnh. Nhưng chị L. vẫn không giải thích nổi cách người mẹ ép con cái phải lệ thuộc kinh tế đến mức lương của chị nếu không “giấu để sống” thì nhà không có nổi 100.000 đồng đi chợ một ngày.
Theo TS Xã hội học, ThS Tâm lý Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính quốc gia), trẻ em bị bạo hành bởi người thân trong gia đình sẽ định hình suy nghĩ và nhân cách theo hướng tiêu cực, như: nạn nhân sẽ trở thành kẻ bạo hành, lặp lại hành vi bạo lực này với người khác; nạn nhân trừng phạt bản thân (tự tử, tự hại) để thoát khỏi cuộc sống; người con sẽ thất vọng về người lớn, khó tiếp nhận sự dạy dỗ từ người lớn và sinh ra rối loạn nhân cách - hành vi, không biết đâu là đúng - sai khi trưởng thành; nạn nhân sẽ sống độc thân, không dám yêu, không dám lập gia đình vì sợ lặp lại cuộc đời cũ.
Việc bị bạo hành trong tuổi thơ ảnh hưởng đến cả suy nghĩ, tính cách khi trưởng thành nên thậm chí khi tách khỏi tác nhân bạo hành về mặt vật lý (dọn ra sống riêng, cha mẹ đã mất...), những ảnh hưởng tính cách, suy nghĩ vẫn ảnh hưởng đến cuộc đời nạn nhân. Nhiều người ý thức rất rõ mình sẽ thiết lập quan hệ hôn nhân với một đối tượng an toàn, nhưng tiềm thức đã học cách ứng xử cam chịu, phục tùng, ưu tiên nhu cầu của người khác hơn yêu thương bản thân… vốn để thích ứng với cuộc sống tuổi thơ, vô thức sẽ khiến họ dễ bị thu hút vào mối quan hệ với người có tính cách không lành mạnh như bạo lực, áp đặt, gia trưởng…
Đó là lý do “bánh xe bạo lực” cứ xoay từ đời này sang đời khác, nạn nhân của bạo hành bởi cha mẹ lặp lại và tiếp diễn hành vi bạo hành lên gia đình mình khi trưởng thành.
Tìm giải pháp chữa lành
Xã hội gán cho người sử dụng bạo lực như một phiền toái không thể thay đổi và cô lập, bỏ rơi thay vì hỗ trợ. Thế nhưng, chữa lành cho các “thủ phạm” vốn cũng là nạn nhân bị tổn thương là cách duy nhất phá bỏ vòng luẩn quẩn của “vòng tròn bạo lực” này.
Rất muốn giữ lại cuộc hôn nhân, anh B. cam kết thay đổi. Qua giải thích của chuyên gia tâm lý, chị N. cảm thông bởi nguồn gốc bạo lực ở chồng rất phức tạp: anh vừa là người có hành vi xấu, vừa là nạn nhân. Hai vợ chồng kiên trì tham gia các phiên tham vấn, tháo gỡ vướng mắc của anh B. về mẹ sau và hành vi bạo lực của bố với anh khi còn nhỏ. Trước đây, khi chồng đánh vợ, đánh con, chị N. “chiến tới cùng”, rồi cảm thấy đau đớn, nhục nhã, thù hận. Giờ, những khi chồng chưa kiểm soát được cảm xúc, chị lựa lời xoa dịu, thông cảm và bao dung. Cả hai cùng kiên trì, nỗ lực, hiểu cảm xúc của nhau nhiều hơn. Anh chồng bớt “lên cơn”, dần trút bỏ mặc cảm, tự trách mình là “thằng tệ bạc”. Cũng từ sự kiên nhẫn, chia sẻ của vợ, anh B. dần hiểu ra, tha thứ cho bố và cả người mẹ sau, bởi suy cho cùng, bà không có lỗi gì.
Theo TS Phạm Thị Thúy, với trường hợp tệ nhất, khi cảm thấy không còn cách nào để thay đổi hoàn cảnh, đặc biệt khi yếu tố quyết định là người gây bạo lực không muốn thay đổi, cách tốt nhất là nên rời đi.
Trường hợp chị C. (50 tuổi, ngụ TPHCM) muốn giữ lại gia đình cho các con, gần 20 năm chờ con khôn lớn, con vào đại học rồi mới dám ly hôn chồng, kết thúc chuỗi ngày sống trong bạo lực. Từ ngày sống một mình, chị thấy nhẹ nhàng, thanh thản vô cùng, thấy sức khỏe mình tốt hơn. Bất ngờ nhất, người con trai tâm sự với chị: “Thấy bố hay đánh mẹ, từ nhỏ con đã muốn mẹ bỏ bố. Mẹ càng cố níu kéo, chịu đựng vì con, con càng thêm khổ sở và ghét bố. Mẹ quyết định ly hôn là vừa giải thoát cho mẹ, vừa cứu tụi con”.