Chặn phim lậu để thúc đẩy công nghiệp sáng tạo

Kể từ ngày 1-1-2020, trang web chia sẻ phim trực tuyến nổi tiếng tại Indonesia Indoxxi đã ngừng hoạt động nhằm hỗ trợ và thúc đẩy ngành công nghiệp sáng tạo của đất nước. 
Trang Indoxxi tuyên bố đóng kể từ ngày 1-1-2020
Trang Indoxxi tuyên bố đóng kể từ ngày 1-1-2020

Mặc dù quyết định đóng trang web này được chính nhà quản lý trang web chủ động, nhưng đây chỉ là một trong hơn 1.100 trang web chia sẻ phim bất hợp pháp nhận được các khiếu nại từ Tổng cục Sở hữu trí tuệ (HAKI). Trong số này, nổi đình nổi đám là các trang web như: dewabioskop21.org, cinema-indo.web.id, filmapik.fun, idxx1.cam...

Bộ trưởng Truyền thông và Thông tin Indonesia (Kominfo) Johnny G. Plate cho biết, việc đóng trang web trực tuyến bất hợp pháp sẽ là một trong những trọng tâm của bộ năm 2020. Động thái nói trên nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và ngăn chặn ảnh hưởng xấu từ việc tiêu thụ phim lậu tại Indonesia. Để thực hiện hành động làm sạch này, Kominfo sẽ hợp tác với Liên minh Chống vi phạm bản quyền (CAP) và HAKI.

Bộ trưởng G. Plate cho rằng, các bộ phim vi phạm bản quyền gây tác động xấu tới Indonesia, chính phủ nước này cố gắng bảo vệ môi trường đầu tư đang được tạo dựng, trong đó bao gồm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Cũng theo Bộ trưởng G. Plate, việc lưu hành phim lậu gây ra các ảnh hưởng lâu dài, từ việc cản trở sức sáng tạo của trẻ em đến việc lan truyền thói quen sử dụng các trang web bất hợp pháp sang những thứ khác. Xem phim lậu không những gián tiếp tiếp tay cho hành vi kinh doanh xấu mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm đối với người dùng. 

Ông yêu cầu chủ sở hữu của các trang web bất hợp pháp chấm dứt hoạt động, đồng thời khẳng định không ngần ngại sử dụng các hành động pháp lý chống lại các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phim ảnh. Kominfo sẽ không chỉ tập trung vào các vi phạm trong lĩnh vực phim ảnh và video, mà còn mở rộng sang vi phạm bản quyền âm nhạc lẫn sách.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Sách quốc gia Indonesia Laura Prinsloo cho rằng, không chỉ đơn thuần là văn hóa đọc, cần nghĩ đến cả lợi ích kinh tế và sự đa dạng ngôn ngữ trong việc xuất bản sách tại các quốc gia Đông Nam Á. Song song với việc cảnh sát sẽ tăng cường truy quét thị trường mua bán đĩa lậu, các nhà cung cấp dịch vụ Internet cũng sẽ ngăn chặn nạn chia sẻ phim ảnh trái phép qua mạng, còn giới làm luật thì cho ra đời những đạo luật bảo vệ bản quyền hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, bà Laura đề xuất, các quốc gia Đông Nam Á cần xây dựng một nền tảng online, một trang Web chung để các quốc gia có thể đề xuất những cuốn sách bán chạy, hay các chính sách hỗ trợ dịch thuật từ chính các nước ASEAN. 

Tại một hội nghị hợp tác chống sách lậu giữa các quốc gia ASEAN, bà Laura cũng chia sẻ về sự phát triển của ngành xuất bản tại Indonesia, sự cần thiết và tầm quan trọng của chính phủ trong việc hỗ trợ tạo điều kiện cho các công ty xuất bản. “Chúng ta đang có lợi thế về sự tương đồng trong vị trí địa lý và những nét văn hóa nhưng đồng thời cũng gặp khó khăn trong rào cản ngôn ngữ cũng như chi phí dịch thuật. Đây cũng là câu hỏi được các độc giả tham dự đặt ra khi chúng ta đều muốn phát triển một thị trường sách chung dành cho các nước Đông Nam Á, làm cách nào để xây dựng một quy chuẩn chung, một nền tảng chung cho văn hóa đọc ở khu vực này?”.

Tin cùng chuyên mục