Lý giải hiện tượng này, ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, nhìn nhận, các sản phẩm tăng giá trước hết là hiện tượng té nước theo mưa. Từ khi thịt heo tăng giá, người tiêu dùng đã giảm sử dụng, chuyển sang các loại thực phẩm khác như gà, vịt, thủy hải sản... Nhu cầu tăng nhiều nên về lâu về dài thì những con gà, con vịt, thủy sản cũng sẽ thiếu và khả năng phải tăng giá theo cung - cầu thị trường.
Để đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng bền vũng, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), nhận định, ngành chăn nuôi phải chuyển dịch từ hình thức chăn nuôi nông hộ nhỏ, lẻ sang hình thức chăn nuôi trang trại công nghiệp, an toàn sinh học. Trang trại phải xây dựng được quy trình giám sát dịch bệnh, dự báo nguy cơ phát sinh dịch bệnh, phát hiện và xử lý kịp thời khi dịch mới phát sinh ở diện hẹp.
Song song đó, mỗi địa phương nên nghiên cứu, thực hiện chuyển đổi cơ cấu vật nuôi phù hợp với điều kiện của biến đổi khí hậu, đặc điểm sinh thái tại địa phương. Người chăn nuôi nhỏ, lẻ và trang trại hiện đại cũng có thể liên kết theo hình thức các trang trại vệ tinh, cung ứng nguyên liệu rồi hợp đồng với nhà máy giết mổ giúp sản phẩm chăn nuôi Việt Nam đảm bảo an toàn vệ sinh từ khâu chăn nuôi tới giết mổ.
Hiện nhiều người chăn nuôi lẫn doanh nghiệp vẫn còn e dè, không dám đầu tư mở rộng sản xuất. Theo các doanh nghiệp này, nguyên nhân là do số liệu chăn nuôi từng vật nuôi chưa chính xác để họ có cơ sở tái đàn. Trong khi đó, vốn đầu tư trang trại rất lớn mà rủi ro cao nên nhiều ngân hàng ngại cho vay vốn. Chính trong lúc này, rất cần Nhà nước hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và người dân để họ có thể đầu tư công nghệ trong chăn nuôi.