Trong khi các trang trại chăn nuôi chỉ có 20% được xây dựng tại các khu tập trung, còn 80% được xây dựng xung quanh khu dân cư, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa tăng nguy cơ dịch bệnh cho gia súc và con người. Vì vậy, chăn nuôi càng phát triển thì việc phòng chống ô nhiễm môi trường càng trở nên cần thiết và cấp bách.
Hiện nay, chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học là công nghệ mới được ngành chăn nuôi khuyến khích áp dụng. Do nuôi trên đệm lót sinh học phân và nước tiểu hầu như bị tiêu hủy, làm giảm các khí độc và mùi hôi trong chuồng nuôi và tạo môi trường trong sạch không ô nhiễm, ít ruồi muỗi và vi sinh vật gây hại.
Do đó, heo nuôi được sống thoải mái, giảm căng thẳng, tăng sinh trưởng và có sức đề kháng cao. Đồng thời, đệm lót sinh học đã tạo ra một môi trường mà ở đó vật nuôi có thể khôi phục bản năng sống tự nhiên của chúng là được tự do đi lại chạy nhảy, tìm kiếm, đào bới…, nên hình thức chăn nuôi trên đệm lót sinh học còn được gọi là phương pháp chăn nuôi tự nhiên.
Chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học
Để góp phần vào chủ trương phát triển chăn nuôi bền vững, trên quan điểm “Chăn nuôi là ngành kinh tế quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng chăn nuôi là giải pháp chủ yếu để duy trì và nâng cao giá trị của sản xuất nông nghiệp. Áp dụng công nghệ tiên tiến, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành chăn nuôi theo hướng gắn sản xuất với thị trường, chăn nuôi trang trại, công nghiệp và nâng cao khả năng kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm”, từ năm 2014 đến nay, Trung tâm Khuyến nông TPHCM đã xây dựng 18 mô hình trình diễn “Chăn nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học”, với 57 hộ tham gia tại các xã thuộc địa bàn huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè. Mô hình không chỉ là giải pháp kinh tế cho người chăn nuôi mà còn giúp họ tiếp cận và nhận thức được tầm quan trọng, tính hiệu quả của việc áp dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót trong chăn nuôi.
Một trong những hộ điển hình thực hiện chăn nuôi heo có hiệu quả theo mô hình này là gia đình anh Phan Văn Phi (ngụ ấp 3, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi). Anh Phi cho biết, được sự hỗ trợ và hướng dẫn của Trạm Khuyến nông Củ Chi, anh tiến hành cải tạo hệ thống chuồng trại và áp dụng với 2 ô chuồng, mỗi ô có diện tích 30m2, nuôi 15 con heo thịt.
Kết quả, đàn heo thịt đều phát triển tốt, ít bệnh, tăng trọng nhanh, khoảng 105 ngày nuôi thì heo đạt trọng lượng bình quân 100 kg/con. Đến nay, anh vẫn tiếp tục áp dụng hình thức nuôi này cho các đợt heo tiếp theo.
Anh Phi khẳng định thêm, từ khi sử dụng nền chuồng heo là đệm lót lên men, kết quả là không còn mùi hôi, tiết kiệm được 80% lượng nước do hoàn toàn không phải tắm cho heo và rửa chuồng; giảm đáng kể công quét chuồng, thu dọn phân heo; giảm tỷ lệ mắc bệnh; chất lượng nạc được nâng lên, đặc biệt là giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần cung cấp nguồn sản phẩm heo sạch cho người tiêu dùng.
Còn hộ anh Trần Thanh Quân (ngụ ấp Hậu, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) cho biết, từ khi tham gia mô hình khuyến nông về nuôi heo bằng đệm lót sinh học, gia đình anh xây chuồng với diện tích 60m2 nuôi 30 con heo thịt, chia thành 3 ô chuồng.
Với cách nuôi này, heo không bị trầy xước chân so với nuôi trên nền xi măng, tránh tiếp xúc môi trường dơ bẩn, giúp heo có không gian vận động đi lại trong chuồng, giảm được lượng mỡ ở heo nuôi mà vẫn tăng trọng nhanh. Điều quan trọng mà gia đình anh Quân hết sức phấn khởi là vấn đề ô nhiễm môi trường đã được xử lý.
Tuy nhiên, “Nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học” không phải là một “phương pháp kỳ diệu” có thể khống chế được các loại dịch bệnh. Vì vậy, người chăn nuôi cần phải tuân thủ đúng, đầy đủ các quy trình vệ sinh phòng bệnh đối với đàn gia súc của mình để đạt được hiệu quả cao nhất.
Để biết thêm chi tiết về quy trình làm đệm lót sinh học, bà con có thể liên hệ Trung tâm Khuyến nông TPHCM tại số 98 Trần Quang Khải (quận 1), điện thoại: (028) 39313016 - Phòng Kỹ thuật.