PV: Tại sao ông lại cho rằng ngành chăn nuôi đang khó khăn do doanh nghiệp (DN) FDI giành giật thị phần?
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) |
* Ông NGUYỄN THANH SƠN: Những năm gần đây, ngành chăn nuôi của Việt Nam tăng trưởng mạnh. Riêng về gia cầm, từ 342 triệu con năm 2015 đã tăng lên 533 triệu con vào năm 2022 (tăng 1,5 lần); sản lượng thịt từ 700.000 tấn đã tăng lên 2,87 lần (đạt gần 2 triệu tấn). Đến nay, sản lượng thịt và trứng gia cầm không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ cho 100 triệu dân trong nước, mà đã bước đầu xuất khẩu chính ngạch, trong khi trước đây chúng ta chưa làm được.
Nhưng bên cạnh đó, vẫn đang có những mảng tối, cần phải kịp thời hóa giải. Đó là tỷ suất lợi nhuận trong sản xuất gia cầm đang giảm dần, trong khi tăng trưởng nhập khẩu thịt ngoại lại cao hơn tăng trưởng sản xuất trong nước. Cuộc cạnh tranh khốc liệt của thịt sản xuất trong nước với thịt nhập khẩu giá rẻ, thị trường tiêu thụ rất bấp bênh (tiêu thụ nội địa vẫn là chủ đạo), sản phẩm chế biến, nhất là chế biến sâu chưa nhiều. Dịch bệnh chăn nuôi vẫn thường xuyên xảy ra, nhất là ở khu vực nông hộ, nên rủi ro cao. Do đó, tuy tăng trưởng nhưng ngành chăn nuôi của chúng ta đang rất rủi ro, kém bền vững.
Đáng lo nhất là gần đây, các DN chăn nuôi nội đang lép vế trước các DN chăn nuôi FDI, nên người nông dân sản xuất, DN chăn nuôi nhỏ đang bị loại dần khỏi cuộc chơi, dẫn đến thực tế số lượng nông hộ chăn nuôi giảm mạnh do thua lỗ trong thời gian qua, trong khi các DN chăn nuôi FDI vẫn đang mở rộng chăn nuôi tại Việt Nam. Đến nay, các DN chăn nuôi FDI đã chiếm áp đảo về sản lượng heo thịt, gà thịt xuất chuồng tại thị trường Việt Nam.
Chẳng hạn, mới đây một DN FDI công bố đầu tư hơn 200 triệu USD, sẽ xây tổ hợp chăn nuôi khép kín tại tỉnh Bình Phước, trong khi họ đang mở rộng sản xuất giống và mạng lưới chăn nuôi gia công gà lông màu tại Việt Nam. Các tập đoàn, DN FDI khác cũng đã và đang có những dự án đầu tư với lượng vốn rất lớn tại Việt Nam, tập trung cho hoạt động sản xuất thịt heo, thịt gà. Điều đáng nói, bên cạnh một số DN FDI đã có nhiều năm đồng hành với người nông dân Việt Nam thì rất đáng tiếc lại có một số DN FDI đang giành giật “miếng bánh” thị phần của người nông dân trong nước.
Theo tôi, nguyên nhân là do khô cạn nguồn vốn mà giá thị trường xuống sâu, đã “đánh gục” các cơ sở chăn nuôi trong nước 2 năm qua. Do đó, nhiều cơ sở, DN chăn nuôi trong nước đang phải nuôi gia công cho DN FDI (nhận con giống, thức ăn chăn nuôi của DN FDI về trang trại để nuôi thuê). Và đây lại là giải pháp mà người chăn nuôi trong nước lựa chọn để “hồi sức” trong bối cảnh hiện nay. Nhưng rủi ro là khi người chăn nuôi của chúng ta tập trung nuôi gia công cho DN FDI thì việc quyết định giá bán lại nằm trong tay các DN nước ngoài…
Ông vừa nói rằng tăng trưởng nhập khẩu thịt ngoại cao hơn tăng trưởng chăn nuôi trong nước là một bi kịch, cụ thể là như thế nào?
* Theo thống kê, tăng trưởng chăn nuôi của Việt Nam trong giai đoạn 2018-2022 đạt 6,3% mỗi năm, nhưng trong 2 năm 2021-2022, tăng trưởng nhập khẩu thịt gia cầm ngoại lại lên tới gần 60%. Đây là hiện tượng rất đáng báo động. Thời gian qua, lượng thịt gà ngoại nhập ồ ạt về Việt Nam, có thể nói là tăng lên nhiều lần, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất gia cầm trong nước. Cụ thể, năm 2021, đã cấp phép cho DN nhập tới 225.000 tấn thịt gia cầm đông lạnh; năm 2022 là 246.000 tấn và trong 4 tháng đầu năm 2023, lượng thịt gia cầm đông lạnh nhập về lên tới 51.000 tấn từ các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Brazil, Ba Lan…
Chăn nuôi gia cầm tại một trang trại ở xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội |
Việc cho nhập khẩu là bình thường, có đi có lại khi Việt Nam tham gia sân chơi WTO và các hiệp định thương mại tự do, nhưng nếu chúng ta không kiểm soát về chất lượng thì không đảm bảo an toàn thực phẩm. Bởi, rất nhiều phụ phẩm kém chất lượng, cận hạn sử dụng cũng được nhập về. Hiện các DN không chỉ nhập cổ, cánh gà mà còn nhập cả lòng mề, thậm chí nhập cả da gà từ Hàn Quốc. Ở các nước, những phụ phẩm này, DN còn phải tốn chi phí để xử lý, tiêu hủy. Gần đây, chúng ta còn cho phép nhập cả gà sống vào nội địa để làm thịt (trước đây nghiêm cấm, chỉ cho phép nhập gia cầm làm giống, nhưng phải kiểm dịch nghiêm ngặt). Thậm chí, hiện nay còn có tình trạng gà thải loại từ các trại nuôi ở Thái Lan “chạy bộ” vào Việt Nam qua Campuchia (gà lậu).
Thịt gà và phụ phẩm thải loại từ nước ngoài ồ ạt vào nội địa, bán với giá siêu rẻ (30.000-40.000 đồng/kg), trong khi ở thị trường nội địa thì các DN FDI giành giật thị phần. Vậy thì người chăn nuôi, các DN nội địa làm sao tồn tại nổi. Theo tính toán của chúng tôi, giá thành chăn nuôi gia cầm hiện nay khoảng 29.000-30.000 đồng/kg, nhưng giá bán chỉ được trung bình 25.000 đồng/kg. Tức người chăn nuôi đang phải bán dưới giá thành. Bộ NN-PTNT cần xem xét việc cấp phép nhập khẩu các phụ phẩm và nội tạng động vật. Bởi thực phẩm ngoại đe dọa nghiêm trọng ngành chăn nuôi trong nước, tạo hệ lụy là càng chăn nuôi càng thua lỗ.
Theo ông, giải pháp và kiến nghị là gì?
* Trước khó khăn và những nguy cơ, VIPA đã kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan có chính sách đặc thù để hỗ trợ DN nội và người chăn nuôi trong nước đủ sức cạnh tranh bình đẳng với các DN FDI ngay sân nhà, rà soát lại chiến lược phát triển chăn nuôi gia cầm trước tình trạng cung vượt cầu (dự án cấp phép quá nhiều mà không gắn với phương án xuất khẩu); trong 5 năm tới, các địa phương cần siết chặt việc cấp phép các dự án mới (nếu dự án không có phương án chế biến, xuất khẩu). Đồng thời, đề nghị Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương đẩy mạnh đàm phán để mở thị trường xuất khẩu thịt, trứng gia cầm chế biến. Đặc biệt là phải kiểm soát chặt chẽ tình trạng nhập khẩu thịt ngoại, bởi để xuất khẩu thịt, trứng trong nước, chúng ta phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật, nhưng sản phẩm nhập về lại dễ dàng. Đã đến lúc có biện pháp phi thuế quan, xây dựng hàng rào kỹ thuật hợp lý hơn với thông lệ quốc tế (có thể tham khảo kinh nghiệm Thái Lan), tránh tình trạng nhập siêu sản phẩm chăn nuôi. Đồng thời, cần giám sát chặt chẽ sản phẩm chăn nuôi tạm nhập tái xuất, vì đang có nhiều sản phẩm dùng làm thức ăn chăn nuôi như chân, đầu, cổ, cánh, lòng mề gia súc, gia cầm vẫn được tuồn vào Việt Nam làm thực phẩm cho con người.