Chặn những bàn tay móc túi người bệnh

 
Thanh tra Sở Y tế TPHCM vừa công bố: Tại TPHCM có 254 phòng khám đa khoa tư nhân, trong số đó, nhóm 17 phòng khám Trung Quốc bị người bệnh phản ánh nhiều nhất, bức xúc nhất. Như Báo SGGP đã nhiều lần có bài phản ánh, từ nhiều năm nay, nhiều phòng khám Trung Quốc dùng thủ thuật quảng cáo ồ ạt trên mạng để kéo người bệnh đến, rồi vẽ bệnh, hù dọa nếu không điều trị sẽ bị ung thư hoặc vô sinh, sau đó tính tiền điều trị hàng chục triệu đồng. Thanh tra Sở Y tế TPHCM và các cơ quan báo chí tại TPHCM đã tiếp nhận nhiều đơn tố giác của những người bệnh là nạn nhân của các phòng khám Trung Quốc. Dù đã tốn nhiều giấy mực trên báo, đã có nhiều cuộc thanh tra và cũng đã có nhiều ý kiến chất vấn của các đại biểu dân cử về trách nhiệm quản lý của ngành y tế, thế nhưng đến nay vẫn vậy, mỗi ngày vẫn có thêm nhiều nạn nhân mới của những cách móc túi cũ.  

“Có bệnh thì vái tứ phương”, song những người mắc các bệnh nhạy cảm, liên quan đến đường tình dục, bệnh nam khoa hoặc phụ khoa rất ngại việc đến bệnh viện điều trị bệnh, họ hoang mang, tìm kiếm thông tin trên mạng và gặp ngay các thông tin tiếp thị của các phòng khám Trung Quốc chào mời, đến khám thì bị hù dọa bệnh nan y, lừa gạt moi tiền. Nhiều người bệnh sau khi phải chi trả vài chục triệu đồng, uất ức nhưng ngại ngùng việc nói ra với mọi người việc mình có bệnh “khó nói”, nên không tố giác.

Có người tố giác thì được phòng khám liên hệ thương lượng trả lại một phần tiền, nên đồng ý ký cam kết không khiếu nại nữa, vì không muốn làm lớn chuyện. Qua đó cho thấy các phòng khám này biết khai thác rất đúng tâm lý để biến bệnh nhân thành nạn nhân, và rồi cứ ung dung tồn tại, trục lợi trên nỗi đau khổ của người bệnh.

Còn nhớ, cuối năm 2016, khi trả lời chất vấn HĐND TPHCM, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh nhìn nhận tình trạng phòng khám Trung Quốc lừa gạt, moi tiền người bệnh đã tồn tại từ nhiều năm qua. Nhiều trường hợp người bệnh phản ánh, Thanh tra Sở Y tế đến kiểm tra thì mọi việc đã xong. Ngoài ra còn có tình trạng phòng khám Trung Quốc bị xử phạt, rút giấy phép nơi này thì chuyển đến nơi khác mở cơ sở mới, tiếp tục lừa người bệnh cho đến khi bị phát hiện. Lúc bấy giờ, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã báo cáo các biện pháp chấn chỉnh, nhưng rồi qua gần hết năm 2017, vẫn có thêm nhiều nạn nhân của các phòng khám này. Các phòng khám này đang lờn cả với luật pháp và cơ quan thực thi luật pháp. 

Kiểm tra lại các văn bản pháp quy, ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Y tế, cho hay các sai phạm của phòng khám Trung Quốc chỉ ở mức phạt tiền, chứ chưa có hình thức xử lý nào cao hơn. Điều đó cho thấy đang có một lỗ hổng pháp lý trong xử lý vi phạm hành nghề y, cần được khẩn trương khắc phục. Đã có nhiều phòng khám Trung Quốc vi phạm y đức và vi phạm pháp luật nhiều năm, lừa nhiều người bệnh mà Sở Y tế TPHCM vẫn chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm ngoài việc chỉ xử phạt. Số tiền phải đóng phạt không đáng gì so với số tiền thu lợi bất chính, nên các phòng khám có sai phạm vẫn tiếp tục sai phạm. 
Song đâu phải vì vậy mà bó tay với các sai phạm. Mới đây, Sở Y tế TPHCM mời chủ đầu tư và bác sĩ phụ trách chuyên môn của các phòng khám Trung Quốc tại TPHCM để nhắc nhở và thông báo các biện pháp chấn chỉnh. Cụ thể là Sở Y tế sẽ xem xét, duyệt lại danh mục dịch vụ kỹ thuật, nhất là những dịch vụ liên quan đến các bệnh nhạy cảm và thường có vi phạm ở phòng khám. Buộc các phòng khám Trung Quốc phải công khai số điện thoại bác sĩ phụ trách chuyên môn cho phòng khám; công khai bảng giá chi tiết và minh bạch trong hồ sơ bệnh án; xây dựng quy trình chẩn đoán và điều trị từng loại bệnh. Thanh tra Sở Y tế cũng sẽ xem xét trách nhiệm chuyên môn của từng bác sĩ phòng khám Trung Quốc và sẽ thu hồi chứng chỉ hành nghề nếu không đáp ứng các điều kiện quy định.
Đó là các biện pháp quản lý cần thiết, nhưng xem ra vẫn chưa đủ để chấn chỉnh đối với những phòng khám hoạt động thiếu y đức, chỉ nhằm thu lợi bằng cách “móc túi” người bệnh. Với chức năng quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn, bao gồm các lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân và quản lý các cơ sở y tế, Sở Y tế TPHCM cần phải làm tròn trách nhiệm trong việc thẩm định, cấp phép hoạt động và theo dõi kiểm tra các phòng khám này. Dư luận đặt câu hỏi: Có ai dung túng, bao che cho các phòng khám sai phạm? Ngoài ra, có một thực tế là các bác sĩ phụ trách chuyên môn tại các phòng khám Trung Quốc đều là người Việt Nam, nhưng không thực sự làm việc, chỉ là cho thuê mướn bằng rồi để mặc phòng khám muốn làm gì thì làm. Những chuyện như vậy cần được làm rõ. Khi phòng khám có sai phạm, phải nghiêm túc xử lý người chịu trách nhiệm chuyên môn.

Tin cùng chuyên mục