Động thái trên là một phần trong chiến dịch của Tokyo nhằm ngăn chặn sự gia tăng các vụ lừa đảo gọi đầu tư qua mạng xã hội. Chính phủ Nhật Bản muốn các nhà điều hành thiết lập hướng dẫn đánh giá các quảng cáo và công khai các tiêu chí; tăng cường quy trình sàng lọc quảng cáo, bao gồm việc xác định tác giả quảng cáo và phản hồi kịp thời các yêu cầu xóa những quảng cáo giả mạo.
Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn yêu cầu các công ty công nghệ lớn như Meta (Mỹ) phải thuê thêm nhân viên hiểu ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản nhằm đảm bảo quy trình sàng lọc tốt hơn cho các quảng cáo trên mạng xã hội. Các nhà khai thác mạng xã hội cũng phải bố trí người chịu trách nhiệm trả lời các câu hỏi từ cơ quan điều tra để xử lý kịp thời mọi trường hợp gian lận.
Kế hoạch trên được đưa ra sau khi tỷ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa - nhà sáng lập hãng bán lẻ thời trang trực tuyến Zozo Inc. và doanh nhân Takafumi Horie hồi tháng 4 đề nghị phải có hành động ngăn chặn các hành vi lừa đảo trên mạng xã hội, sau khi tên của họ bị sử dụng trái phép để kêu gọi đầu tư.
Theo Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản, trong 4 tháng đầu năm, nhà chức trách đã phát hiện 2.508 trường hợp lừa đảo mạo danh trên mạng xã hội trên toàn quốc, tăng 2.133 trường hợp so với một năm trước đó. Số tiền bị lừa đảo cũng tăng lên hơn 33,4 tỷ yen (212 triệu USD), tăng 29,5 tỷ yen (186 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.
Cơ quan trên cho biết, ban đầu nạn nhân sẽ được liên hệ trên các mạng xã hội như Facebook và Instagram, sau đó nhiều người trong số họ được chuyển đến ứng dụng Line - một công cụ nhắn tin phổ biến ở Nhật Bản, để thảo luận về việc chuyển tiền. Do đó, các biện pháp mới cũng đòi hỏi các nhà điều hành không được “bật đèn xanh” cho những quảng cáo hướng người dùng đến các ứng dụng liên lạc kín sử dụng trò chuyện nhóm.