Là đơn vị chủ trì xây dựng đề án “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam”, họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, cho biết đề án này được hình thành dựa trên lợi thế về truyền thống lâu đời của nghề sơn và chất liệu sơn ta với sự đột phá trong kỹ thuật sơn ta của các họa sĩ hội họa sơn mài Việt Nam. Không chỉ đưa ra các tiêu chí, quy chuẩn về chất liệu để làm sơn mài, quy trình chế tác sơn mài đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia mà đề án còn đưa ra tiêu chuẩn nghệ thuật và kỹ thuật để các sản phẩm, tác phẩm sơn mài đạt chuẩn thương hiệu “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam”. Xa hơn nữa, đây cũng là một bước để hướng tới việc đưa Việt Nam trở thành trung tâm của nghệ thuật sơn mài; thúc đẩy sự phát triển của sơn mài Việt, kích thích thị trường tiêu thụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sơn mài, tác phẩm hội họa sơn mài Việt Nam trong nước và quốc tế.
Có nhiều năm nghiên cứu và gắn bó với sơn mài, họa sĩ Triệu Khắc Tiến khẳng định tính cấp thiết của việc xây dựng một đề án thương hiệu quốc gia nhằm chấn hưng và khẳng định giá trị của sơn mài Việt. Song họa sĩ này cũng không khỏi nghi vấn, bởi đề án chưa nêu bật được điểm nhấn sẽ tập trung đầu tư cho sơn mài Việt là chất liệu, kỹ thuật, hay ngôn ngữ sử dụng trong tranh... Họa sĩ Triệu Khắc Tiến bày tỏ lo lắng về việc nhiều họa sĩ được cho là vẽ sơn mài nhưng không sử dụng chất liệu sơn mài truyền thống mà có sự pha tạp. Nếu Việt Nam không gìn giữ và phát huy được chất liệu này quả là điều đáng tiếc, bởi chúng ta là nơi phát tích và sản sinh ra kỹ thuật vẽ sơn mài.
Tâm huyết với đề án này, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội Trần Vũ Hoàng cho rằng muốn thành công cần tổ chức các hoạt động nghiên cứu sâu, có tính khoa học về nghệ thuật sơn mài nước ta, sau đó công bố và quảng bá với thế giới, để mọi người thấy rõ sự đặc sắc của loại hình này của Việt Nam. Hiện tại, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đang tiếp tục ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết về việc xây dựng thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực mỹ thuật và nhiếp ảnh.