Thực tế, không ít người vô tội gặp họa, thậm chí tử vong do đối tượng “ngáo đá”, người tâm thần gây ra. Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, 9 tháng năm 2023, số người nghiện ma túy đang quản lý tăng hơn 57% so với cùng kỳ. Cụ thể, số người nghiện ma túy hiện đang quản lý tại 15 cơ sở cai nghiện ma túy của thành phố là hơn 10.580 người (tăng hơn 6.700 người). TAND các cấp tại TPHCM đã có quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 743 trường hợp, nâng tổng số người được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 9 tháng năm 2023 lên 5.864 trường hợp.
Theo giải thích của Sở LĐTB-XH TPHCM, người cai nghiện ma túy tăng hơn 57% là do trước đây vướng quy trình thủ tục của Nghị định 116/ NĐ-CP nên hồ sơ tồn nhiều. Từ khi đơn vị phối hợp Công an TPHCM ban hành Hướng dẫn 9908 về công tác lập hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú trên địa bàn thành phố, số hồ sơ tồn được triển khai nên gia tăng. Dù vậy, những con số nói trên cũng để lại rất nhiều lo âu, bất an trong cộng đồng. Điều này đặt ra yêu cầu công tác quản lý của các cơ quan chức năng, các cấp, các ngành là rất lớn.
Thời điểm này, UBND TPHCM đang tăng cường thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn TPHCM, giai đoạn 2020-2030”, là tín hiệu tích cực đối với hy vọng kéo giảm hiệu quả con số người nghiện trong cộng đồng. Thực tế cho thấy, những vụ án mạng từ người có bệnh tâm thần và “ngáo đá” xảy ra một phần là do người thân trong gia đình không nhận thức được mức độ nguy hiểm khi đối tượng mất kiểm soát. Các đối tượng “ngáo đá” thông thường không có biểu hiện theo cơn như đối tượng sử dụng ma túy khác nên người thân mất cảnh giác.
Vì vậy, gia đình, cộng đồng cần luôn cảnh giác, giám sát chặt chẽ mọi biểu hiện của người có tiền sử tâm thần, ma túy. Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là giải pháp “phần ngọn”. Về mặt lâu dài, phải giúp người thân cai nghiện và tránh xa với hiểm họa ma túy mới là giải pháp căn cơ.