Dấu ấn Võ Văn Kiệt
Sáng 22-11, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Thành ủy TPHCM, Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long phối hợp tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đồng chí Võ Văn Kiệt – nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức tại TPHCM, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt (23-11-1922 – 23-11-2022).
Những năm tháng kháng chiến trường kỳ của dân tộc, người chiến sĩ cách mạng kiên trung luôn có mặt ở nơi đầu sóng ngọn gió, với tầm nhìn chiến lược của mình đã góp phần không nhỏ cho thành công ở chiến trường. Những nội dung này được thể hiện rõ nét trong phần tham luận của Thiếu tướng Hồ Minh Phương, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9.
Sau ngày thống nhất, đất nước bước vào những năm đầu rất khó khăn. Khi đó, bản lĩnh, tầm nhìn chiến lược của nhà lãnh đạo Võ Văn Kiệt một lần nữa lại thể hiện rõ nét. Về nội dung này, TS Lê Hữu Phước, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TPHCM có tham luận về đồng chí Võ Văn Kiệt với công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định kinh tế xã hội ở TPHCM những năm đầu sau giải phóng.
Đặc biệt, trong cuộc đời hơn 70 năm hoạt động cách mạng của đồng chí, không thể không nhắc đến những dấu ấn trong công cuộc đổi mới. Theo TS Trần Minh Trưởng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt là vị Thủ tướng tài năng của thời kỳ đổi mới. Điều đó được thể hiện qua những thành tựu của đất nước trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến đối ngoại.
Năm 1997 Bộ KH-ĐT thành lập một tổ công tác với nhiệm vụ xây dựng Đề án Đổi mới công tác kế hoạch hóa kinh tế quốc dân theo chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Kiệt. Nhờ đó, mô hình kế hoạch nền kinh tế đã có những thay đổi cơ bản: từng bước chuyển đổi các chỉ tiêu hiện vật sang chỉ tiêu mang tính giá trị, thay đổi các công cụ can thiệp trực tiếp bằng các công cụ can thiệp gián tiếp và phù hợp với cơ chế thị trường.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng, muốn đổi mới và đột phá trong phát triển không chỉ tập trung đổi mới thực chất về lý luận, phương pháp luận về công tác quy hoạch, kế hoạch mà cần phải có nhiều công trình mang tính đột phá, là trụ cột cho phát triển kinh tế. Từ đó, đồng chí đã cùng các cộng sự tập trung đột phá ở các ngành điện, giao thông là những điểm nghẽn của kinh tế lúc bấy giờ. Nhiều công trình thế kỷ được xây dựng, đưa kinh tế Việt Nam phát triển trên một diện mạo mới.
Những năm đầu thập kỷ 90, đồng chí Võ Văn Kiệt đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong tiến trình Việt Nam hội nhập quốc tế. Ngay khi xuất hiện những tín hiệu cho thấy có cơ hội đưa đất nước thoát khỏi tình thế bị bao vây, cấm vận, đồng chí đã áp dụng chiến thuật hội nhập đi từ trong ra ngoài, từ gần đến xa. Hoạt động đối ngoại trong một thời gian ngắn đã diễn ra một cách dồn dập, trên một địa bàn rộng lớn từ khu vực Đông Nam Á, ven Thái Bình Dương qua Nam Á, vùng Vịnh, Bắc Phi, Liên Xô (cũ), Đông Âu sang Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ và từng bước mở ra quan hệ với hai khu vực còn lại là châu Phi và Mỹ Latinh.
Chính những chuyến thăm mở đường và hành động thực tế này đã chứng minh chính sách nhất quán, lập trường trước sau như một của Việt Nam là sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Vẹn nguyên những kỷ niệm
Có nhiều dịp được gặp và làm việc với cố Thủ tưởng Võ Văn Kiệt, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân kể rằng, đồng chí đã dành rất nhiều tình cảm cho báo Đảng. Từ việc chú trọng trang bị cơ sở vật chất cho báo Nhân dân và anh em phóng viên làm việc, đến việc gợi mở nhiều đề tài “nóng” mà báo Đảng phải đi tiên phong.
Đồng chí cũng là người đầu tiên quan tâm tạo điều kiện để nhanh chóng xây dựng Nhà in Báo Nhân Dân tại Sài Gòn (Nhà in thành lập tháng 4-1976, trước khi Sài Gòn được đổi tên thành TPHCM), nhằm khắc phục hiện tượng báo chuyển từ Hà Nội vào bằng đường xe lửa, phải mất 4-5 ngày các cơ quan mới có báo.
Sau này, khi về hưu, đồng chí Võ Văn Kiệt vẫn quan tâm gợi mở cho báo chí những vấn đề “nóng” cần được tuyên truyền bài bản, thuyết phục. Đó là việc tuyên truyền chính sách hoà giải, hoà hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Là những chủ trương, phong trào đúng đắn nhưng còn tồn tại “bệnh hình thức”, "bệnh phô trương" ở một số nơi; là tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng. Ông bảo, báo chí mới dừng ở việc thông tin vụ việc chứ chưa coi trọng phân tích thấu đáo nguyên nhân sâu xa và kiến nghị giải pháp thiết thực. Rồi một số phóng viên say sưa thông tin vụ án theo lối “giật gân, câu khách” để bán nhiều báo, mưu lợi cá nhân, gây bức xúc dư luận. Ông cũng nhắc nhở các cơ quan báo chí phải coi trọng hơn việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp và bản lĩnh cho các nhà báo.
Bà chia sẻ, những năm tháng ở bên cha tuy rất ngắn ngủi nhưng kỷ niệm vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào. Trong lòng bà, cha là người nhẹ nhàng tế nhị, với những câu chuyện rất đời, gửi gắm điều gì đó. Ông là người cha không bao giờ áp đặt con cái mà luôn tôn trọng. Để rồi giờ đây con cháu nhớ về ông, nhớ sự quan tâm của ông với mọi người xung quanh, nhớ tác phong, nhớ nụ cười và sự bao dung.
“Chúng tôi ảnh hưởng từ ông với lối sống giản dị, có cái nhìn đa chiều về con người và xã hội”, bà Võ Hiếu Dân trải lòng và bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, lãnh đạo TPHCM, tỉnh Vĩnh Long dành cho cha của bà - cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Phát biểu bế mạc hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, hội thảo đã nhận được 90 báo cáo tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương. Các tham luận được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, đề cập toàn diện, đi sâu phân tích, thể hiện lòng kính trọng và sự tri ân sâu sắc đối với đồng chí Võ Văn Kiệt. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa. Ảnh: VIỆT DŨNG Nhiều tham luận làm rõ quê hương, gia đình có những ảnh hưởng tích cực đến lý tưởng yêu nước, chí hướng cách mạng, nhân cách của đồng chí Võ Văn Kiệt. Qua phân tích, đánh giá, các tham luận và ý kiến phát biểu đều đi đến khẳng định đồng chí Võ Văn Kiệt có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Cùng với đó, các bài viết đều nêu bật những đóng góp quan trọng của đồng chí Võ Văn Kiệt trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhận xét, các tham luận và ý kiến phát biểu đều đánh giá cao tinh thần bất khuất, bản lĩnh kiên cường, tấm gương đạo đức cách mạng tận trung với nước, tận hiếu với dân của đồng chí Võ Văn Kiệt; vai trò của đồng chí Võ Văn Kiệt với Đảng bộ, nhân dân Vĩnh Long và Đảng bộ, nhân dân TPHCM. “Hội thảo như một sự tri ân những công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Đây cũng là hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần học tập tấm gương người cộng sản mẫu mực trong các tầng lớp nhân dân, nhất là hệ trẻ Việt Nam”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh. |