Truyền thống bạo lực của bóng đá Ý

Chân dung các nhóm Ultra

Điều đáng nhấn mạnh đầu tiên là chúng ta không nên nhầm lẫn ultra với hooligan. Các nhóm ultra trong làng bóng Ý dĩ nhiên không ngán bạo động. Nhưng bạo động, nhất là kiểu tấn công cổ động viên đối phương như hình ảnh phổ biến của các nhóm hooligan Anh, Đức, Hà Lan, Serbia... thì ultra Ý không mấy mặn mòi.

Chân dung các nhóm Ultra ảnh 1
Nhóm ultra Fossa dei Leoni khét tiếng của AC Milan trên khán đài sân San Siro.

Mặt khác, nếu xem bóng đá là một vương quốc thì hooligan là thành phần sống ngoài pháp luật trong vương quốc ấy. Ngược lại, các nhóm ultra ở Ý luôn có tổ chức và đấy là những tổ chức không tách rời với đời sống bóng đá Ý. Họ có văn phòng, quán bar riêng, cũng thường xuyên hội họp như bao tổ chức khác. Ngoài chuyện có thẻ hội viên, các nhóm ultra lớn còn có công ty, tạp chí, đài phát thanh riêng. Và trong không ít trường hợp, ultra có mối quan hệ với CLB.
 
Khái niệm ultra xuất hiện cách đây đã 70 năm, nhưng Fossa dei Leoni là nhóm ultra hiện đại, có tổ chức, đầu tiên xuất hiện ở Serie A. Nhóm này do các cổ động viên AC Milan thành lập năm 1968. Sau đó không lâu, các cổ động viên Inter thành lập nhóm Inter Boys SAN. Năm 1971, nhóm Tito Cucchiaroni của Sampdoria xuất hiện, được đặt theo tên một cầu thủ nổi tiếng trong những năm 50-60. Rồi đến Brigate gialloblu của Verona, Granata Corps của Torino, Fighters và Drughi của Juventus... Thành viên ultra thường là thanh niên, nhưng đa số thủ lĩnh ultra là người có tuổi. Theo gương nhóm Fossa dei Leoni của Milan, các nhóm ultra nhanh chóng cát cứ ở những curva - tức phần đuôi của các khán đài, thường có hình cong. Ngày nay, sân bóng nào ở Serie A cũng có các nhóm ultra chiếm cứ curva. Những sân có 2 đội chủ nhà thì ultra của đôi bên chia nhau lãnh địa, theo kiểu curva sud ở sân Olimpico là của ultra AS Roma, curva nord của Lazio.
 
Rất dễ nhận diện các thành viên ultra. Đấy là loại tifosi gần như không bao giờ vắng mặt khi đội bóng của họ thi đấu, trên sân nhà hoặc sân đối phương. Họ chỉ xem bóng đá trực tiếp trên sân. Ở curva của mình, họ thường đứng trong suốt trận, hát cổ vũ đội mình và hô to hoặc trương khẩu hiệu miệt thị đối phương. Khi có cổ động viên lạ, các ultra quyết định có nên chấp nhận cho kẻ lạ mặt lọt vào lãnh địa của mình hay không. Tuy ultra là các tổ chức quy củ, nhưng thủ lĩnh ultra thì chẳng ai bầu. Họ phải tự vươn lên địa vị ấy bằng "bản lĩnh" đích thực. Thủ lĩnh ultra quyết định cả đám nên la ó chế diễu cầu thủ nào, hô to câu gì, trương khẩu hiệu nào. Có khi thành viên ultra nghèo còn được thủ lĩnh cấp vé miễn phí. Có người bình luận rằng, các đội bóng Ý thường "nuôi" ultra, nói thế là tội... cho các đội bóng. Thường thì thủ lĩnh ultra đường đường chính chính gõ cửa văn phòng CLB để xin vé, kèm theo câu "nếu không thì...". Vậy là đội bóng dù không muốn cũng phải tặng vé, vì ít ra cũng lôi kéo thêm cổ động viên trong khi điều quan trọng nhất là tránh phiền phức!

 Ultra không thích bạo lực, nhưng bạo lực là phương tiện chính yếu để các nhóm ultra cũng như thủ lĩnh ultra tồn tại, vươn lên. Đối tượng để các nhóm ultra "chứng tỏ bản lĩnh" thường là cảnh sát chứ không phải cổ động viên đối phương. Chính vì vậy, bóng đá Ý khác bóng đá Anh ở chỗ, tình trạng bạo động không làm cho khán giả trên sân vơi đi. Trong số 57 triệu người Ý, có hơn 26 triệu người tự nhận là cổ động viên bóng đá (tifosi) và khẳng định họ luôn đến sân khi có dịp (số liệu năm 2001).
 
Mục đích cuối cùng của các nhóm ultra nghe có vẻ đơn giản: thể hiện mình một cách đơn thuần. Nhưng trong xã hội Ý với khá nhiều mâu thuẫn, "thể hiện mình" lại là việc làm to tát vì nó liên quan đến tính địa phương, quan điểm chính trị, sự giàu nghèo, vấn đề sắc tộc, tôn giáo... Không đâu như ở Ý: đề tài chính trị luôn được bàn bạc sôi động chẳng kém đề tài bóng đá, và khi 2 đề tài ấy kết hợp với nhau thì càng hấp dẫn! Hãy thử tượng tượng, hàng chục ngàn con người có cùng đặc điểm về bóng đá, chính trị, sắc tộc, đẳng cấp xã hội... cùng muốn "chứng tỏ mình" trên curva của họ, thì sức mạnh hoặc sự đe dọa của họ sẽ như thế nào? Ngay cả cảnh sát cũng ít khi léo lánh đến các curva. Họ chỉ triển khai lực lượng từ xa và cố tách biệt các nhóm ultra với những thành phần khán giả khác để bảo đảm an toàn. Tháng 1-2001, các nhóm ultra Inter đem hẳn một chiếc scooter lên tầng 2 của khán đài San Siro, phá tan rồi... ném xuống tầng dưới! Khi ấy, cảnh sát không hề tấn công vào đám khán giả trên tầng 2 ấy mà chỉ triển khai lực lượng để đảm bảo rằng không ai thiệt mạng khi chiếc scooter bị ném xuống tầng dưới!

 Cuối cùng, vì các mục tiêu chính trị và các mâu thuẫn liên quan đến tính địa phương, đẳng cấp xã hội, ultra Ý thường không mấy quan tâm đến ĐTQG. Mặc kệ Squadra Azzurri thi thố thế nào với các đội bóng nước ngoài, ultra Napoli chỉ cần quan tâm đến "bọn" Milan hoặc Juventus đáng ghét khi các đối thủ này kéo xuống miền Nam thi đấu. Cho nên, các nhà tổ chức Euro 2008 chẳng phải lo lắng nếu như đội Ý có vé dự VCK. 

TRI KỶ

Thông tin liên quan

 - Kỳ 2: Nhẫn và hỏa tiễn
-  Kỳ 1: Hủy bỏ trận đấu ? Tuyệt vời !

Tin cùng chuyên mục