NS Phạm Minh Tuấn đã 80 năm tuổi đời, có trên 60 năm tuổi nghề. Các sáng tác của ông có tiết tấu đơn giản, không quá mang tính học thuật nhưng hội đủ tinh hoa, chắt lọc từ cảm xúc và rất nhiều tác phẩm âm nhạc đã ghi đậm dấu ấn trong lòng người nghe, như: Đất nước, Dấu chân phía trước, Đường ta đi, Mở đường, Xuân về trên quê ta, Khát vọng, Hồ Chí Minh bài ca cứu nước, Bác Hồ - Người là ngôi sao sáng mãi, Bài ca không quên, Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn, Đường tàu mùa xuân, Mùa xuân từ những giếng dầu, Bà Mẹ Gạc Ma, Sao biển, Đảo xa, Bài ca người gác biển…
NS Phạm Minh Tuấn. Ảnh tư liệu |
Hầu hết các sáng tác âm nhạc của ông ra đời trên dặm đường rong ruổi của cuộc kháng chiến, những tên làng, tên đất, những cô gái, những bà mẹ, những giải phóng quân anh dũng, kiên cường… đã cho ông thật nhiều những cảm xúc sâu lắng, để rồi từ những tâm tư, trăn trở, mong mỏi và khát vọng lắng đọng trên từng con chữ, lời ca, giai điệu âm nhạc - những bài ca nồng ấm tình người. ra đời. Tình cảm đặc biệt của ông đối với dòng nhạc truyền thống – cách mạng và hoàn cảnh đặc biệt khi ông cho ra đời các tác phẩm có giá trị nghệ thuật phục vụ đời sống, đã góp phần hun đúc tinh thần chiến đấu bất khuất của nhân dân, của chiến sĩ, những con người sống với tình yêu đất nước trong tim…
Tài năng âm nhạc thiên phú của ông được minh chứng bằng tác phẩm nổi tiếng Qua sông (viết năm 1963, khi đang trong chiến khu), tác phẩm này giúp ông nhận giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu giai đoạn 1960 – 1965. Rồi đến ca khúc Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn viết năm 1968 ngay giữa thời điểm ông tham gia chiến dịch Xuân Mậu Thân, NS Phạm Minh Tuấn đã tự khẳng định mình là một nhạc sĩ xuất sắc của nền âm nhạc truyền thống cách mạng ở miền Nam.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Ảnh: THÚY BÌNH |
Đặc biệt, từ bài thơ Dấu chân phía trước của nhà thơ Hồ Thi Ca (ra đời năm 1981), bài hát Dấu chân phía trước của NS Phạm Minh Tuấn ra đời để đến nay, sau 40 năm, bản hợp xướng Dấu chân phía trước của hai tác giả Phạm Minh Tuấn - Hồ Thi Ca đã khắc họa thành công hình ảnh Bác Hồ vào tâm khảm của các thế hệ sau 1975. Theo nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, khi bắt tay viết bài hát này, ông không chỉ muốn thanh niên mà muốn cả dân tộc cùng học tập tấm gương đạo đức, ý chí kiên cường và lòng khát khao giải phóng đất nước của Bác Hồ để chúng ta cùng đoàn kết, xây dựng một nước Việt Nam XHCN, hòa bình, độc lập, phồn vinh hôm nay.
Bên cạnh hoạt động sáng tác ca khúc, khí nhạc (viết prelude cho piano Núi rừng mùa xuân; sonate cho violon và piano; romance cho oboe và piano Khúc hát không lời; hòa tấu piano và dàn dây Bất khuất; ballade cho dàn nhạc Đất trắng và bản giao hưởng Nhật ký người Mẹ vừa được nhạc sĩ hoàn thành vào năm 2021), NS Phạm Minh Tuấn còn viết nhạc phim (Giã từ những đêm trắng, Dòng sông ám ảnh, Ngôi sao biển, Người không mang súng, Bài ca không quên, Viên ngọc Côn Sơn...), kịch nói, cải lương...
Riêng ca khúc Bài ca không quên (1981) viết cho bộ phim cùng tên đã vượt khỏi màn ảnh và trở thành một trong những tác phẩm quen thuộc nhất của NS Phạm Minh Tuấn. Bài ca không quên vượt qua giới hạn không gian và thời gian của tác phẩm được “đặt hàng” để trở thành “bài hát của cả đời tôi” trong sự nghiệp âm nhạc của NS Phạm Minh Tuấn. Bài ca không quên như một cuốn nhật ký bằng âm nhạc ghi lại những năm tháng hào hùng của ông và đồng đội. Ca từ và giai điệu như một lời tự sự, tự vấn, đồng thời cũng nhắc nhở mọi người về một thời kỳ gian khó mà chúng ta không được phép lãng quên.
NS Phạm Minh Tuấn đã nhận được nhiều giải thưởng: Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965), Giải âm nhạc trong phim Bài ca không quên, Giải âm nhạc trong vở kịch Ngôi sao biển, Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam các năm 1993, 1995, 1996, giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật 2001.
Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960 - 1965), Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật (đợt I - 2001)...
Ngoài hoạt động sáng tác, NS Phạm Minh Tuấn còn là giảng viên - người truyền lửa, kiến thức và tình yêu âm nhạc cho nhiều lớp học trò tại Nhạc viện TPHCM. Ông cũng từng đảm nhiệm nhiều vị trí, chức vụ: Phó Giám đốc Nhạc viện TPHCM, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM (nay là Sở TT-TT TPHCM), Phó Tổng Thư ký (nay là Phó Chủ tịch) Hội Nhạc sĩ Việt Nam…
NS Phạm Minh Tuấn chia sẻ: “Âm nhạc đến với chúng ta từ lúc chào đời qua lời ru của mẹ và tiễn đưa chúng ta đến thế giới bên kia. Như vậy, trọn cuộc đời mỗi chúng ta không thể nào thiếu vắng âm nhạc. Âm nhạc tự nguyện đến với chúng ta và chúng ta cũng vô tư đến với chúng. Bài hát nào hay sẽ còn mãi, cái nào dở sẽ bị cuộc sống lãng quên. Tôi cũng trăn trở nhiều lắm, làm sao có được bút pháp mới phục vụ cho cuộc sống hôm nay, nói được tâm thế người Việt Nam thời hội nhập. Tôi vẫn đang tìm tòi, tiếp tục tư duy sáng tác, khi nào cảm thấy hài lòng, sẽ giới thiệu rộng rãi cho mọi người”.
NSND Tạ Minh Tâm sẽ trình diễn ca khúc Dấu chân phía trước trong chương trình biểu diễn giao lưu Sống và ước vọng. Ảnh: THÚY BÌNH |
Tham gia trong chương trình giao lưu, biểu diễn nghệ thuật Sống và ước vọng có NSND Tạ Minh Tâm, ca sĩ Cẩm Vân, Ngọc Ánh, Phạm Trang, Khánh Ngọc, Quốc Đại, Thành Tâm, Cao Công Nghĩa, Thùy Trinh, Trúc Lai, Đội văn nghệ Hoa Lửa của Đoàn Thanh niên Khối Dân chính Đảng - Trung ương Cục miền Nam, dàn nhạc SPO, nhóm hợp xướng Phương Nam…