Trong đó, nhiều vụ tai nạn đường bộ nghiêm trọng xảy ra do ý thức của người điều khiển phương tiện như: tài xế sử dụng rượu bia trước khi điều khiển phương tiện, thiếu quan sát, phóng nhanh, vượt ẩu, ngủ gật, chở quá số người quy định...
Mới đây, vụ ô tô đâm thẳng vào cây xăng khiến nhiều người bị thương hôm 13-8 tại phường Thịnh Quang (quận Đống Đa, TP Hà Nội) nguyên nhân cũng do tài xế có nồng độ cồn rất cao, vượt mức vi phạm tối đa theo quy định. Trước đó, ngày 10-8, một vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra tại huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) làm chết 4 người, bị thương 2 người.
Chiếc xe tải trong vụ tai nạn này chỉ được phép chở 3 người nhưng chở tới 4 người, đi đường đèo dốc nhưng không làm chủ được tay lái dẫn đến va chạm 2 xe máy, gây hậu quả thảm khốc. Trong tháng 7, hàng loạt vụ TNGT nghiêm trọng làm chết nhiều người cũng được ghi nhận, như vụ tai nạn xảy ra tại thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) hôm 19-7 làm chết 1 người, bị thương 17 người, nguyên nhân do tài xế xe khách ngủ gật; vụ tai nạn xảy ra tại huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) đêm 11-7 làm chết 3 người do tài xế xe tải không làm chủ tốc độ...
Đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng chưa được thực hiện triệt để. Đơn cử, giải pháp lắp đặt, sử dụng thiết bị giám sát hành trình, camera trên xe để hỗ trợ quản lý tài xế vẫn chưa được thực hiện nghiêm.
Theo thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, vẫn còn nhiều phương tiện chưa lắp đặt thiết bị này, hoặc có lắp đặt nhưng bị hư hỏng hay cố tình không khai thác. Bên cạnh đó, hệ thống dữ liệu trung tâm có ghi nhận nhiều lỗi vi phạm của tài xế như chạy quá tốc độ, đi sai hành trình... nhưng việc chấn chỉnh, xử phạt của các cơ quan quản lý còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe.
Khi TNGT xảy ra, nếu xác định do nguyên nhân chủ quan, ngoài việc tài xế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cũng cần xem xét thêm trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải. Nhiều doanh nghiệp vận tải đã buông lỏng quản lý, chỉ vì mục tiêu lợi nhuận mà xem nhẹ việc kiểm soát tài xế, thậm chí khoán trắng cho tài xế. Việc thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn của doanh nghiệp nhiều khi chỉ mang tính hình thức, đối phó.
Vì vậy, để hạn chế TNGT, đòi hỏi các doanh nghiệp phải quan tâm hơn nữa công tác giáo dục nâng cao ý thức của tài xế, chủ động giám sát, phát hiện các sai phạm để chấn chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý, trực tiếp là các sở GTVT địa phương, cần giám sát chặt chẽ hơn công tác đảm bảo ATGT của doanh nghiệp vận tải. Cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước phải coi công tác quản lý, nâng cao ý thức tài xế là yếu tố đặc biệt quan trọng trong nỗ lực đảm bảo an toàn, kéo giảm TNGT.
Người dân cả nước sắp bước vào đợt nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, dự báo lượng người và phương tiện di chuyển sẽ tăng đột biến, tình hình giao thông diễn biến phức tạp. Ngày 16-8, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Công điện số 724/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gửi các bộ ngành liên quan, các địa phương về việc bảo đảm trật tự, ATGT trong dịp nghỉ lễ.
Bên cạnh yêu cầu có phương án bảo đảm năng lực, chất lượng và an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa, công điện cũng yêu cầu tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT; xử lý, trấn áp những đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ. Thủ tướng cũng yêu cầu công bố số điện thoại đường dây nóng về bảo đảm trật tự ATGT của các cơ quan trung ương, địa phương nhằm tiếp nhận các phản ánh của người dân trong dịp nghỉ lễ.
TNGT luôn là hiểm họa rình rập, rất cần mỗi tài xế, mỗi doanh nghiệp vận tải có ý thức cao tuân thủ các quy định về ATGT, để mỗi chuyến xe là một hành trình an toàn.