Trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH đã cho ý kiến về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); xem xét đề nghị của Chính phủ bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; thảo luận về Báo cáo công tác dân nguyện tháng 12-2021.
Cần quy định việc thu hồi quyết định khen thưởng
Về dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) - sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 - một trong những nội dung mới, quan trọng là quy định về xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng.
Về ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung trường hợp cá nhân vi phạm quy định của Nhà nước từ hình thức khiển trách trở lên trong kỳ được khen thưởng nhưng sau đó bị phát hiện thì bị hủy bỏ quyết định khen thưởng và thu hồi hiện vật, tiền thưởng, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội đã tiếp thu ý kiến đại biểu và chỉnh lý Điều 92 của dự thảo luật. Bên cạnh đó, cá nhân phạm tội bị áp dụng từ hình phạt tù có thời hạn trở lên hay pháp nhân thương mại phạm tội bị áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì bị tước danh hiệu. Trường hợp được tòa án xét xử lại không phạm tội thì được phục hồi và trao lại.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành bổ sung quy định trên, song cho biết đã có trường hợp bị hủy danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì khai không đúng thành tích.
“Tuy nhiên, quy định cứ bị án phạt tù thì bị tước danh hiệu liệu có thỏa đáng? Những hành vi liên quan đến phẩm chất, tư cách của người phạm tội “thì không nói làm gì” nhưng vô ý như lỡ làm cháy nhà dẫn đến thiệt hại lớn, gây tai nạn giao thông nên bị phạt án tù thì sao… Nên cụ thể nhóm tội nào mới bị tước danh hiệu chứ không nên chung chung”, ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu: “Lúc làm khai đúng, quy trình đúng, cơ quan đề xuất cũng căn cứ thành tích lúc đó nhưng sau này vụ án mới phát hiện ra thì tước hay thu hồi, cần quy định cho rõ”.
Xử lý nghiêm hành vi “thổi giá” bất động sản
Theo Báo cáo công tác dân nguyện tháng 12 của Quốc hội, cử tri và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để đầu cơ, “thổi giá” bất động sản gây nhiễu loạn thị trường; vi phạm trong việc công bố thông tin, ‘‘bán chui” cổ phiếu làm ảnh hưởng lớn đến sự minh bạch, phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, làm mất niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đáng lưu ý, thời gian qua, cử tri rất lo lắng và bức xúc tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích (đuối nước, ngã từ nhà cao tầng, nổ điện thoại, điện giật...); trẻ em bị mẹ kế, bố dượng thậm chí bố mẹ đẻ bạo hành; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em bị sang chấn tâm lý, trầm cảm do áp lực học tập, giãn cách xã hội lâu ngày bị tách khỏi môi trường giáo dục... ngày càng gia tăng, mức độ rất nghiêm trọng được nhiều báo chí, dư luận xã hội phản ánh.
“Cử tri đề nghị cần có các biện pháp hữu hiệu hơn để chăm sóc, bảo vệ và phát triển toàn diện đối với trẻ em; xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em”, ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện, nhấn mạnh.
Phát biểu tại phiên họp, một số ý kiến quan tâm đến việc thực hiện đón người lao động về quê ăn tết không được các địa phương thực hiện thống nhất. Ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng, hiện nay việc thực hiện quy định đón người dân các tỉnh về quê ăn tết rất khác nhau và khác với quy định trong nghị quyết mà Chính phủ đã ban hành theo tinh thần nghị quyết chung của Quốc hội, của UBTVQH.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, do quy định không thống nhất nên thực tế đa phần lao động có hợp đồng ở khu vực miền núi đã về quê sớm và tự cách ly để kịp đón tết với gia đình.
Coi đây là việc cấp bách khi ngày tết cổ truyền đã cận kề, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chấn chỉnh để có cách giải quyết kịp thời, hợp tình hợp lý…
Ngày 18-1, liên quan đến vụ việc gia đình ông Nguyễn Xuân T. (ở thôn Cao Bạt Lụ, xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) bị trưởng thôn khóa cửa “nhốt” trong nhà nhiều ngày vì có người về từ vùng dịch cấp độ 4, ông Phạm Thành Khoa, Chủ tịch UBND xã Nam Cao, đã công khai xin lỗi gia đình ông T. Cùng với đó, ông Phạm Ngọc Thao, Trưởng thôn Cao Bạt Lụ, đã bị chính quyền địa phương kiểm điểm. |