PV Báo SGGP đã ghi nhận thực tế tại một số địa bàn sau khi UBND TPHCM có văn bản khẩn gửi UBND TP Thủ Đức và các quận huyện về tăng cường thực hiện Chỉ thị 15 tại TPHCM chiều 16-6.
Một số người dân vẫn chủ quan, lơ là
Ghi nhận ngày 17-6 cho thấy, tại một số chợ lớn như Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Tân Định (quận 1), chợ Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận)… ý thức chấp hành quy định phòng chống dịch Covid-19 của các tiểu thương, người dân và khách khi đến mua sắm khá tốt. Cùng với đó, việc tiến hành lập các chốt tại tuyến đường chính vào chợ, kiểm soát việc đo thân nhiệt, xịt sát khuẩn, khai báo y tế cho tiểu thương và người dân ra vào chợ cũng được thực hiện.
Ghi nhận tại nhiều tuyến đường trung tâm như Điện Biên Phủ (quận 3), Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), Bạch Đằng, ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh)…, các hàng quán ăn uống đều dán thông báo tạm ngưng hoạt động. Hầu hết cơ sở hớt tóc, làm đẹp từ cao cấp đến bình dân vốn nhộn nhịp trên các đường Bùi Đình Túy, Nguyễn Thiện Thuật (quận Bình Thạnh), Võ Thị Sáu, Trương Định, Cách Mạng Tháng Tám (quận 3)… cũng đều đã đóng cửa.
Bên cạnh hầu hết người dân, cơ sở chấp hành Chỉ thị 15 thì vẫn còn một số người không chấp hành, thiếu nghiêm túc, một số nơi vẫn lén lút tổ chức buôn bán, tụ tập đông người.
Trưa 17-6, rảo quanh nhiều tuyến đường trên địa bàn quận Gò Vấp, quận 3, quận Tân Bình, TP Thủ Đức, quận Bình Thạnh…, chúng tôi ghi nhận nhiều nơi người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là.
Tại quán nước nằm trong hẻm 601 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 15, quận 10, vẫn ngang nhiên cho khách ngồi ăn uống tại chỗ bên vỉa hè, thậm chí khách không đeo khẩu trang.
Tương tự, một quán cơm gà trên đường Tô Vĩnh Diện (TP Thủ Đức) tập trung đông khách hàng, shipper đến mua đồ ăn.
Hay như tối 15-6, trước cổng siêu thị điện máy - nội thất Chợ Lớn (đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 11, quận 3) vẫn có hàng chục xe đẩy bán hàng rong tụ tập, cho khách ngồi ăn uống tại chỗ.
Mới nhất, UBND phường Phước Long B, TP Thủ Đức vừa lập biên bản, chuyển hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với đại lý internet, điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng Lộc Phạm tại số 31/19 đường 147, do vi phạm quy định về phòng chống dịch Covid-19, xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân không thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 do lén lút tổ chức cho 42 người tụ tập game.
Tương tự, một số quán cà phê trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp); Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức) tuy dán thông báo tạm nghỉ nhưng vẫn hé cửa nhận khách…
Trước một số tồn tại, hạn chế, chấp hành chưa nghiêm Chỉ thị 15 khi diễn biến dịch ngày càng phức tạp, UBND TPHCM vừa yêu cầu các địa phương phát huy vai trò tổ công tác phòng chống Covid-19 tại phường xã, thị trấn và các lực lượng chức năng của địa phương trong việc kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt đối với các trường hợp không chấp hành biện pháp 5K. Thực tế, để đảm bảo hiệu quả, theo các chuyên gia, hệ thống chính quyền cần quyết liệt hơn.
Theo ông Đỗ Ngọc Lãm, Chủ tịch UBND phường 15, quận Gò Vấp, hiện phường thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, hiện cả hệ thống chính trị của phường xem công tác phòng chống dịch là quan trọng hàng đầu.
Về mặt pháp lý, theo luật sư Đinh Công Hưng, Trưởng Văn phòng Luật sư Đinh Công Hưng (Đoàn Luật sư TPHCM), Nghị định 117 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế chỉ phạt từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế… là còn thấp.
Trong khi đó, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng chống dịch Covid-19 bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với cá nhân (từ 20-40 triệu đồng đối với tổ chức) cũng chưa đủ mạnh mà phải xử lý hình sự, nhất là các trường hợp chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ vẫn cố tình hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch Covid-19.
Cùng với đó, cần phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên. Theo ông Hoàng Xuân Song (Bí thư Chi bộ Khu phố 2, phường 15, quận Gò Vấp), cần phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo của cấp ủy cấp cơ sở và chi bộ, nhất là ở khu dân cư; nêu cao vai trò gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong công tác phòng chống dịch; phải gương mẫu, đi đầu, đồng thời vận động được người thân, gia đình, làng xóm trong việc thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch, xác định công tác phòng dịch là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời điểm hiện nay.