Chấn chỉnh “sốt ảo”
Trước tình trạng tăng giá đất đột biến tại TP Hoa Lư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn đã chỉ đạo Công an tỉnh Ninh Bình và các sở, ban, ngành liên quan điều tra giao dịch mua bán đất, xử lý nghiêm các vi phạm.
Trước đó, chỉ trong 1 tháng giá đất nền tại TP Hoa Lư đã tăng mạnh từ 1,6-2 tỷ đồng/lô (khoảng 100-120m²) lên 3,6-4,5 tỷ đồng/lô. Nguyên nhân do các đối tượng môi giới tung tin TP Hoa Lư được thành lập mới trên cơ sở hợp nhất huyện Hoa Lư và TP Ninh Bình, đồng thời phao tin sẽ có 2 tỉnh khác sáp nhập vào tỉnh Ninh Bình (trung tâm hành chính sẽ đặt ở tỉnh Ninh Bình) khiến giá đất tăng cao.
Tại tỉnh Thái Bình, Công an tỉnh cũng cảnh báo giá bất động sản tại một số khu vực có sự biến động mạnh và mức tăng giá hiện tại không phản ánh thực chất giá trị bất động sản cũng như nhu cầu thực tế của thị trường. Cơ quan chức năng đề nghị nhà đầu tư không nên tin vào các tin đồn về việc sáp nhập hành chính. Nếu phát hiện hành vi thao túng thị trường cần báo ngay cho cơ quan chức năng.
Tương tự, Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ cũng cảnh báo về nguy cơ sốt đất ảo. Theo sở này, trên mạng xã hội hiện các nhóm môi giới vẫn đang tạo sóng ảo trong khi thực tế số lượng giao dịch hạn chế. Các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Giang, Phú Thọ... cũng đưa ra các cảnh báo tương tự về tình trạng tăng giá đất do tin đồn; tình trạng giao dịch ảo nhằm tạo ra những cơn “sốt” giả...

Tại TP Cần Thơ, sau khi thông tin sáp nhập 2 tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng về TP Cần Thơ xuất hiện trên mạng xã hội, tình hình mua bán nhà đất “nóng” lên, nhất là tại quận Cái Răng.
Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển đã yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Tài chính, UBND quận, huyện tập trung chấn chỉnh, xử lý việc thao túng giá, đầu cơ bất động sản, đồng thời thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng bất động sản; kiểm soát chặt chẽ việc sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản trên địa bàn thành phố, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật…
Tại Lâm Đồng, dù chưa có thông tin chính thức về việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh nhưng nhiều người sử dụng mạng xã hội để “thổi” thị trường bất động sản vốn “bất động” suốt thời gian dài. Các “tin đồn” được cánh môi giới bất động sản hướng đến chủ yếu tập trung vào việc “sáp nhập các tỉnh vào Lâm Đồng”, “chuyển trung tâm hành chính từ Đà Lạt” về khu vực các huyện Đức Trọng, Di Linh và TP Bảo Lộc.
Để chấn chỉnh, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các sở, ngành kiểm soát chặt chẽ việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên địa bàn bảo đảm minh bạch.
Nhà đầu tư phải tỉnh táo
Sau khi dư luận đồng loạt cảnh báo và cơ quan chức năng vào cuộc, hiện nay thị trường bất động sản ở nhiều địa phương như Hưng Yên, Phú Thọ, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam… đã bớt nóng dần.
Theo GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, tình trạng sốt đất ngắn hạn hiện nay phần lớn do sự thao túng của các nhóm đầu cơ bất động sản. Những nhóm này không ngừng lợi dụng thông tin về việc sáp nhập các tỉnh, thành để đẩy giá đất lên, tạo ra các cơn sóng giả, khiến thị trường bất động sản trở nên nhiễu loạn và mất ổn định. Đặc biệt, tình trạng tăng giá tại các khu vực chưa có đầy đủ hạ tầng hay không có cơ sở pháp lý vững chắc sẽ chỉ làm thị trường bất động sản trở nên méo mó, dẫn đến những rủi ro tiềm ẩn.
Ông Lê Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng, thông tin sáp nhập các tỉnh, thành đang gây xôn xao trong dư luận và khiến nhiều nhà đầu tư bất động sản “mơ mộng” về việc giá đất sẽ tăng vọt.
“Giá đất có tăng hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như quy hoạch đô thị, kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương cũng như chính sách thu hút đầu tư. Việc các nhà đầu cơ lợi dụng thông tin sáp nhập để thổi phồng giá đất chỉ là hiện tượng tạm thời, không bền vững và dễ dàng sụp đổ khi các yếu tố thực tế không đồng thuận với kỳ vọng”, ông Lê Văn Bình cảnh báo.