Đáng lo là khi người câu buông cần, quăng câu rất dễ gây mất an toàn cho người đi đường.
Trước đây, do kênh Nhiêu Lộc vẫn còn ô nhiễm, chính quyền thành phố đã tổ chức thả hàng ngàn con cá các loại, như: cá chép, rô phi, cá trê phi… với mục đích cải tạo môi trường, tạo cảnh quan đô thị, đồng thời đặt bảng cấm câu cá dưới mọi hình thức dọc theo tuyến kênh. Chính quyền quận 1 đã có thời gian xử lý rất mạnh tay tình trạng câu cá dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhưng sau đó đi vào… trầm lắng.
Dọc bờ kè Nhiêu Lộc - Thị Nghè là công viên, có lối đi rộng rãi, thoáng đãng. Sáng sớm và chiều tối thu hút hàng ngàn lượt người dân thành phố đến tập thể dục, thư giãn. Tuy nhiên, họ đã gặp không ít trở ngại với các “cần thủ”.
Ông Nguyễn Đình Chung, 62 tuổi, nhà ở đường Trần Quang Long, phường 19, quận Bình Thạnh cho biết: “Chúng tôi phấn khởi với việc tập thể dục ở bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, bởi không gian thoáng mát, môi trường trong sạch, yên tĩnh. Tuy nhiên, không ít lần chúng tôi đã gặp rắc rối với mấy người câu cá. Nhiều người không để ý đã quăng dây dính vào cành cây. Lẽ ra phải tháo dây thì họ lại dùng kéo cắt dây, để lại lòng thòng cả lưỡi câu, rất dễ quàng vào đầu, cổ người đi bộ. Câu trúng rác, họ sẵn sàng cắt dây. Lưỡi câu quăng tùm lum trên bãi cỏ, lối đi. Đã có người đạp trúng lưỡi câu bị thương”.
Nếu các “cần thủ” chọn câu cá để giải trí thì mời đến các dòng sông hay hồ câu tư nhân ở TP Thủ Đức, khu Thanh Đa, huyện Bình Chánh, Nhà Bè… vùng ven thành phố. Còn chính quyền địa phương cần tuần tra, xử lý hành vi đã cấm nhưng vẫn câu cá trên kênh.