Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với đại biểu Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM, về tình hình thực tế các hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TPHCM.
* PHÓNG VIÊN: Từ thực tế cuộc khảo sát cho thấy tình hình hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo thời gian qua như thế nào, thưa ông?
- Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM CAO THANH BÌNH: Qua khảo sát về hoạt động quảng cáo trên địa bàn quận 1, huyện Hóc Môn và TP Thủ Đức cho thấy, công tác quản lý nhà nước về quảng cáo còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Tình trạng các bảng, trụ quảng cáo ngoài trời đặt ở những vị trí đắc địa không phép, sai quy cách, quy chuẩn là rất lớn. Không chỉ các doanh nghiệp, mà một số cơ quan, đơn vị Nhà nước cũng vi phạm. Điển hình như tại khu vực vòng xoay Điện Biên Phủ - Nguyễn Bỉnh Khiêm có 4 trụ bảng quảng cáo lớn đặt trong khuôn viên và tòa nhà Viện Khoa học - Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) đều không phép. Quận 1 đã nhiều lập biên bản xử lý nhưng đơn vị này không chấp hành.
Tại huyện Hóc Môn, ghi nhận có một số bảng quảng cáo ốp trên tường nhà dân sai quy cách, rất nguy hiểm, người dân đã phản ánh nhưng địa phương chưa xử lý. Hay có nhiều bảng quảng cáo trên nóc các chợ ở địa phương này (không phép) vừa gây mất an toàn, vừa thiếu thẩm mỹ cũng chưa được xử lý. Tại TP Thủ Đức, có hơn 30 bảng quảng cáo không phép với kích thước lớn nằm dọc tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Qua trao đổi thì địa phương này nói là không nắm được thông tin. Điều này cho thấy vai trò phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa tốt; đặc biệt là công tác hậu kiểm và kiểm tra, xử lý.
* Tình hình các bảng quảng cáo điện tử màn hình led thì sao?
- Ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều bảng quảng cáo điện tử màn ảnh led, nội dung quảng cáo chiếm thời lượng đến 70%-80%, tranh cổ động, tuyên truyền chỉ hơn 30%. Việc kiểm soát nội dung qua các dòng chữ chạy trên bảng quảng cáo điện tử cũng cần phải được quan tâm để kịp thời xử lý, ngăn chặn tình trạng nhiễu tin, nội dung gây phản cảm…
* Công tác quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo ở các địa phương như thế nào khi chưa có quy hoạch?
- Thời gian qua, các địa phương đề xuất cần chế tài mạnh hơn trong xử phạt vi phạm về quảng cáo. Thực tế, quy định xử phạt có sẵn hết rồi. Nếu phạt lần 1 mà vẫn vi phạm thì lần 2 tăng mức phạt lên, kèm theo khắc phục lại hiện trạng ban đầu. Nếu không khắc phục thì phải cưỡng chế. Nhiều nơi, các bảng quảng cáo đặt tại các trục giao thông lớn đã trơ khung sắt nhìn mất mỹ quan, mất an toàn cho người dân tham giao giao thông, cũng không thấy chính quyền địa phương nhắc nhở, chấn chỉnh. Có địa phương xử lý rất quyết liệt, nhưng một thời gian sau tình trạng vi phạm tái diễn. Trách nhiệm trong quản lý, xử lý vi phạm ở đây thuộc về các địa phương, nếu làm tốt sẽ hạn chế được những vi phạm trong hoạt động quảng cáo ngoài trời hiện nay.
* Trách nhiệm của các sở, ngành trong công tác quản lý lĩnh vực hoạt động quảng cáo ra sao, thưa ông?
- Hiện có 4 sở, ngành quản lý trong lĩnh vực hoạt động này, gồm: Sở VH-TT cấp phép về nội dung quảng cáo; Sở GTVT về vị trí, lộ giới, hành lang đường bộ; Sở Xây dựng chịu trách nhiệm về cấp phép xây dựng; Sở QH-KT có trách nhiệm tích hợp vào kho dữ liệu quy hoạch chung của thành phố. Các sở, ngành này cùng với chính quyền địa phương nếu được phối hợp thống nhất từ một đầu mối trong quản lý từ quy hoạch, cấp phép đến hậu kiểm, xử phạt thì tình hình sai phạm trong lĩnh vực hoạt động quảng cáo ngoài trời thời gian tới sẽ sớm được chấn chỉnh.