Đồng thời, khuyến cáo trước nhu cầu việc làm dịp Tết Tân Sửu, người lao động cần tìm hiểu kỹ các đơn vị, trung tâm môi giới việc làm trước khi nộp hồ sơ.
Tăng nhu cầu việc làm mùa tết
Còn vài tuần nữa là đến Tết Tân Sửu, nhưng nhiều trường đại học (ĐH) ở TPHCM đã thông báo cho sinh viên nghỉ tết sớm. Đây cũng là thời điểm nhiều sinh viên đi tìm việc làm thêm. Trần Trọng Tuyển (23 tuổi, quê ở Thái Bình, sinh viên trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM) đang xin làm việc cho một cửa hàng bán đồ ăn nhanh tại TPHCM chia sẻ: “Giá vé trong dịp tết tăng cao, riêng vé tàu xe 2 chiều đã hơn 6 triệu đồng, số tiền ấy quá sức với ba mẹ ở quê. Do vậy, mình quyết định ở lại thành phố làm thêm trong dịp tết, kiếm thêm để trang trải chi phí học hành”. Còn Nguyễn Thanh Bình (22 tuổi, quê ở Gia Lai, sinh viên trường ĐH Công nghệ TPHCM) cho biết: “Năm nay mình quyết định ở lại xin việc làm thêm với hy vọng được đồng nào hay đồng nấy. Làm thêm dịp tết cũng cho bản thân những trải nghiệm quý giá, biết trân trọng đồng tiền mà mình tự kiếm được”…
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng việc làm, Trung tâm DVVL Thanh niên, hiện có hơn 60 doanh nghiệp tham gia tuyển các vị trí với hơn 1.000 chỉ tiêu tuyển dụng. Các việc làm trong dịp tết như thu ngân, nhân viên kho, chế biến thức ăn, xếp hàng lên kệ tại siêu thị, bán hàng, giao hàng, phục vụ tại các quán ăn, quán cà phê; thu ngân, bảo vệ, đóng gói quà tết... Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM cũng đã vận động 500 đơn vị, cá nhân tuyển dụng, giới thiệu 3.000 việc làm tết cho sinh viên, người lao động có nhu cầu. Bà Ngô Phan Hà Châu, Phó phòng Hỗ trợ đời sống, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM cho biết, trung tâm đang đẩy mạnh mời gọi doanh nghiệp tuyển dụng việc làm trong dịp tết.
Chấn chỉnh hoạt động dịch vụ việc làm
Hiện TPHCM có 122 doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động DVVL và 2 trung tâm DVVL công lập của Nhà nước đang hoạt động. Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân hoạt động DVVL không có giấy phép vẫn tồn tại nhiều năm qua, gây bức xúc trong dư luận.
Theo Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn, hoạt động DVVL là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp chỉ hoạt động khi được Sở LĐTB-XH cấp giấy phép hoạt động. “Tình trạng hoạt động DVVL không có giấy phép chủ yếu tập trung vào các cá nhân, tổ chức có quy mô nhỏ, địa điểm hoạt động không ổn định, không có nhiều nhân viên”, ông Lê Minh Tấn cho biết.
Lý giải tình trạng này, ông Lê Minh Tấn cho rằng, xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động, đặc biệt là đánh vào tâm lý người lao động muốn nhanh chóng có việc làm, lương cao và không yêu cầu cao về điều kiện tuyển dụng nên các tổ chức, cá nhân hoạt động DVVL trái phép luôn tìm cách hoạt động thông qua nhiều hình thức như giới thiệu trực tiếp, đăng tải trên mạng internet. “Đa số các đối tượng không có địa điểm hoạt động cố định, trang thiết bị hoạt động không có, nên khi các cơ quan địa phương đi kiểm tra sẽ dễ dàng đóng cửa để né tránh; hoặc các đối tượng hẹn người lao động đến các điểm công cộng để tư vấn, giới thiệu việc làm. Bên cạnh đó, người lao động không có bằng chứng chứng minh hành vi lừa đảo của các đối tượng khi nộp các khoản tiền tìm việc không có phiếu thu, hoặc phiếu thu không có thông tin đầy đủ của các tổ chức, cá nhân thu tiền. Điều này sẽ khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, cũng như kiểm tra, xử lý”, ông Lê Minh Tấn nhìn nhận.
Về giải pháp chấn chỉnh tình trạng lừa đảo qua môi giới việc làm, ông Lê Minh Tấn cho biết, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng trong nắm bắt tình hình địa bàn dân cư; tuyên truyền để người dân hiểu rõ hoạt động DVVL là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải được cơ quan lao động cấp phép hoạt động; cung cấp thông tin các đơn vị có giấy phép hoạt động DVVL để người dân biết; tăng cường công tác thanh kiểm tra…
Kiểm tra thông tin Báo SGGP phản ánh |