Dịch vụ đang bị thả nổi
Hiện nay, cùng với các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ thực hiện những kỹ thuật cao như nâng mũi, chỉnh cằm, nâng ngực, cắt da, hút mỡ… có các bác sĩ chuyên ngành, thiết bị máy móc hiện đại được sở y tế địa phương cấp phép hoạt động, còn có các cơ sở làm đẹp “bình dân”, hoạt động tự phát ở các tiệm spa, cắt tóc, không có chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài những kiểu làm đẹp phổ biến trước đây như cắt tóc, nhuộm tóc; các loại hình làm đẹp có đụng chạm đến da thịt bên ngoài của khách hàng như xăm chân mày, mí mắt, môi, tắm trắng, dưỡng da, tiêm filler chỉnh hình mũi… cũng được thực hiện ở các spa, tiệm làm tóc hoặc trung tâm sắc đẹp với dụng cụ thô sơ, nhân viên thực hiện bằng kinh nghiệm, chứ không được đào tạo để có giấy phép hành nghề. Việc làm đẹp này có khi gây chảy máu, tổn thương da, gây nhiễm trùng hoặc lây nhiễm bệnh. Đặc biệt khi làm đẹp còn đòi hỏi phải sử dụng các loại thuốc tây, thảo dược… để kết hợp, song nguồn gốc thuốc rất mập mờ.
VĂN THI HOÀNG (Trường THCS Phan Bội Châu, Quảng Nam)
Cẩn trọng khi đi làm đẹp
Làm đẹp là nhu cầu chính đáng nhưng phải cẩn trọng khi đến với loại hình dịch vụ này, vì có không ít “lang băm” tự phong là bác sĩ thẩm mỹ tốt nghiệp ở Harvard (Hoa Kỳ), Cambridge (Anh), Sorbonne (Pháp)... tự mở cơ sở hành nghề thẩm mỹ. Nếu như sau vụ bác sĩ ở Thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội) hút mỡ bụng làm chết bệnh nhân rồi phi tang xác xuống sông Hồng, các cơ quan chức năng liên quan tiến hành tổng kiểm tra chấn chỉnh hoạt động dịch vụ thẩm mỹ, thì đã không tiếp tục có thêm những nạn nhân bị tai biến, tử vong. Đừng đợi đến khi xảy ra tử vong rồi mới kiểm tra bằng cấp chuyên môn của bác sĩ và giấy phép hoạt động của cơ sở thẩm mỹ!
Tất nhiên những kẻ làm ăn chụp giật thì có mưu chước để qua mặt những khách hàng nhẹ dạ, cả tin và cơ quan chức năng. Họ chỉ cần hành nghề trong thời gian ngắn đủ để hốt bạc rồi chuồn êm, nên cứ làm liều, tới đâu hay tới đó. Do vậy, không nên vội vàng tin cậy, đến với những cơ sở dịch vụ thẩm mỹ rao quảng cáo giá rẻ. Cũng không nên chỉ nhìn vào những biển hiệu đầy những lời quảng cáo thật kêu, mà cần chú trọng xem xét những yếu tố khác, như có tốt nghiệp chuyên ngành thẩm mỹ; có giấy phép mở cơ sở, giấy phép hành nghề... Trên tấm biển hiệu một cơ sở thẩm mỹ phải có đầy đủ những yếu tố: tên địa chỉ phòng khám, tên bác sĩ, chuyên khoa… Khách hàng cần phải quan tâm giấy chứng nhận đăng ký hành nghề, giấy phép mở cơ sở thẩm mỹ.
TÚ NGUYÊN (huyện Cần Đước, tỉnh Long An)
Phải quyết liệt chấn chỉnh
Sau khi xảy ra các vụ tử vong do phẫu thuật thẩm mỹ, Sở Y tế TPHCM đã tổ chức họp hội đồng chuyên môn, phân tích và kết luận nguyên nhân dẫn đến tử vong của bệnh nhân. Hiện Sở Y tế mới chỉ yêu cầu lãnh đạo của 2 bệnh viện thẩm mỹ liên quan tổ chức họp, phân tích sai sót, rút kinh nghiệm để tránh lặp lại các sự cố tương tự; củng cố quy trình chuyên môn, tổ chức giám sát sự tuân thủ các quy định, quy chế chuyên môn.
Trong các năm gần đây, báo chí liên tục phản ánh, cảnh báo về sự thiếu an toàn tại các cơ sở thẩm mỹ ở TPHCM, bởi bác sĩ kém tay nghề, phòng khám chui, quảng cáo sai sự thật. Trước tình hình đó, Sở Y tế TPHCM đã công bố các cơ sở y tế vi phạm, yêu cầu tháo gỡ, xóa quảng cáo hay đình chỉ hoạt động có thời hạn. Tuy nhiên, việc xử lý như vậy không đủ sức răn đe nên nhiều cơ sở thẩm mỹ đối phó xong lại tái diễn sai phạm.
Ngoài ra, các quy định của pháp luật cũng chưa theo kịp thực tế cuộc sống, dẫn tới tình trạng lách luật hoặc ngang nhiên vi phạm luật. Điều đáng nói nhất của tình trạng vi phạm pháp luật là do sự buông lỏng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động thẩm mỹ, làm đẹp. Do vậy, phải có những chấn chỉnh kịp thời. Ngành y tế TPHCM cần có những giải pháp, hành động cụ thể, quyết liệt hơn nhằm giải quyết những bất cập trong hoạt động chuyên môn tại các cơ sở y tế, thẩm mỹ trên địa bàn để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho người khám, chữa bệnh, phẫu thuật thẩm mỹ.
ĐÔNG GIA (quận Gò Vấp, TPHCM)