Nhiều vi phạm bị phát hiện
Bộ phim tài liệu 3 tập MH370: Chiếc máy bay mất tích (MH370 - The Plane That Disappeared) được cung cấp trên dịch vụ của Netflix tại Việt Nam bị phản ứng dữ dội do phản ánh không chính xác những đóng góp của Việt Nam trong công tác phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn máy bay MH370 của hàng không Malaysia bị mất tích năm 2014.
Một tháng sau khi khởi chiếu, Bộ TT-TT ra văn bản yêu cầu Netflix gỡ bỏ những nội dung vi phạm trong bộ phim tài liệu này và tập 1 bộ phim tài liệu nói trên đã bị gỡ khỏi kho nội dung của Netflix tại Việt Nam.
Đây là một trong nhiều vi phạm liên quan các điều cấm như xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trên các nền tảng xuyên biên giới đã được phát hiện và bị xử lý thời gian qua.
Việt Nam đang nỗ lực đưa hoạt động truyền hình trả tiền đa nền tảng xuyên biên giới vào khuôn khổ. Ảnh: QUANG PHÚC |
Cũng liên quan tới việc xử lý vi phạm các nền tảng xuyên biên giới ở Việt Nam, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (ABEI, Bộ TT-TT), cho biết, trong năm vừa qua, Bộ TT-TT đã xử phạt hơn 20 công ty quảng cáo quốc tế vì vi phạm quy định quảng cáo.
Thời gian qua, có hiện tượng nhiều doanh nghiệp trong nước đặt quảng cáo lên các nền tảng xuyên biên giới và bị gắn vào những nội dung bẩn, làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. ABEI đã thực hiện nhiều giải pháp để chấn chỉnh, cũng như hướng dòng tiền quảng cáo của các doanh nghiệp trong nước về những nơi có nội dung sạch, nền tảng sạch.
Để đưa hoạt động OTT TV vào khuôn khổ, Bộ TT-TT vừa yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông thực hiện rà soát các hoạt động hợp tác, cho thuê dịch vụ với 6 doanh nghiệp nước ngoài, gồm: Netflix, Apple, Amazon, Tencent, IQIYI và Hồ Nam. Việc rà soát này nhằm đảm bảo nội dung hợp tác không vi phạm những quy định cấm cũng như không gián tiếp tạo điều kiện để các doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật Việt Nam.
Theo đó, Netflix xác nhận sẽ cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam. Ba doanh nghiệp gồm IQIYI, Tencent của Trung Quốc và Apple của Mỹ sẽ điều chỉnh hoạt động để chỉ phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam. Riêng 2 công ty Hồ Nam (Trung Quốc) và Amazon (Mỹ) sẽ không tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam.
Từ kết quả rà soát này, Bộ TT-TT đề nghị Bộ VH-TT-DL thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý hoạt động phổ biến phim trên mạng với 4 doanh nghiệp gồm Netflix, Apple, Tencent và IQIYI; đồng thời chỉ đạo các Sở VH-TT-DL rà soát, không chấp thuận việc quảng cáo, truyền thông quảng bá cho dịch vụ của những đơn vị này khi doanh nghiệp chưa thực hiện các quy định hiện hành về phổ biến phim trên mạng hoặc chưa có giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền.
Hoàn thiện cơ sở pháp lý
Tuy nhiên, lãnh đạo ABEI cũng thừa nhận, hiện chưa có đủ cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý các nền tảng xuyên biên giới chưa có tư cách pháp nhân tại Việt Nam.
Gần đây, Bộ TT-TT đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2022/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1-1-2023), trong đó có quy định chế tài để xử lý các dịch vụ gia tăng đa nền tảng, các nhà cung cấp xuyên biên giới về phát thanh, truyền hình không có giấy phép hoạt động tại Việt Nam.
Đối với các nền tảng xuyên biên giới cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền (như Netflix, Apple, Amazon,...), ABEI yêu cầu đăng ký giấy phép hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam. Đối với việc xử lý các nền tảng xuyên biên giới trong lĩnh vực mạng xã hội cung cấp các dịch vụ nội dung khác hiện nay chúng ta chưa có quy định. Bộ TT-TT đang nghiên cứu, tham mưu để dần dần hoàn thiện quy định pháp luật này.
Lãnh đạo Bộ TT-TT cũng cho biết sẽ yêu cầu 5 nhà sản xuất tivi lớn dừng tích hợp hoặc gỡ bỏ ứng dụng xem truyền hình vi phạm pháp luật trên giao diện màn hình và điều khiển tivi.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, nhận thức rõ thực trạng trên, đầu tháng 5-2023, Bộ TT-TT đã họp với 2 nhà sản xuất tivi lớn nhất ở Việt Nam là Samsung, LG và sẽ tiếp tục làm việc với 3 nhà sản xuất lớn khác. Bộ TT-TT sẽ yêu cầu các đơn vị trên tham vấn ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về phát thanh, truyền hình và báo chí trước khi tích hợp bất cứ phím nào trên điều khiển tivi. Nếu phím nào hướng người dùng, người xem đến những ứng dụng vi phạm pháp luật, Bộ TT-TT sẽ yêu cầu dừng tích hợp, gỡ bỏ, không kích hoạt nội dung đó, không được cài ứng dụng đó trên nền tảng tivi thông minh.
Việc triển khai thực hiện Nghị định 71 đang đặt mục tiêu đảm bảo quản lý lĩnh vực phát thanh, truyền hình theo hướng hiện đại, phù hợp xu hướng thế giới, đồng thời thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam phát triển. Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm, với Nghị định 71, việc quản lý lĩnh vực phát thanh, truyền hình trên cùng một mặt bằng pháp lý, đảm bảo bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Năm 2023, Bộ TT-TT xác định việc quản lý các nền tảng xuyên biên giới là nhiệm vụ quan trọng. Các nền tảng này đang “thu tiền nhiều” nhưng trách nhiệm xã hội kém. Nói cách khác, các nền tảng xuyên biên giới muốn phát triển bền vững, làm ăn và “kiếm tiền” ở Việt Nam phải tuân thủ luật pháp Việt Nam và trách nhiệm xã hội đi kèm.
Bộ VH-TT-DL vừa thành lập Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng do Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành làm tổ trưởng. Tổ chịu trách nhiệm cấp, thu hồi giấy phép phân loại phim đối với phim của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chưa đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; xây dựng và quản lý hệ thống dữ liệu về phân loại phim trên không gian mạng.
Cùng với đó, tổ có trách nhiệm kiểm tra nội dung phim, phân loại phim, hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng. Tiếp nhận thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim trên không gian mạng. Tiếp nhận đầu mối, thông tin liên hệ của các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng.
Trong Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh - truyền hình đến năm 2025, Bộ TT-TT đưa ra các mục tiêu: tăng thuê bao truyền hình trả tiền từ 17 triệu lên 25 triệu người dùng; tăng doanh thu truyền hình trả tiền từ 9.000 tỷ đồng lên 15.000 tỷ đồng; tăng thuê bao truyền hình trả tiền đa nền tảng (OTT TV) từ 3 triệu lên 12 triệu thuê bao; tăng doanh thu truyền hình trả tiền OTT TV từ 300 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng...
Đây là những mục tiêu được xem là khả thi, với điều kiện thực hiện tốt Nghị định 71, nhất là việc quản lý các dịch vụ OTT TV xuyên biên giới.
Trước đó, ABEI cũng ra mắt Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh về các sai phạm về nội dung trên dịch vụ truyền hình OTT TV xuyên biên giới để có thêm biện pháp quản lý.