Xử lý nghiêm vi phạm trong công tác cán bộ
Thời gian gần đây, nhiều vụ việc vi phạm trình tự, thủ tục liên quan đến việc tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm CBCC đã bị phát hiện và xử lý. Cơ quan quản lý CBCC đã làm sai quy trình, thủ tục, thậm chí có những trường hợp làm sai do cố ý. Làm bừa, làm ẩu trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm CBCC đã để lại những hệ quả tiêu cực rất lớn trong công tác cán bộ. Do đó, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm, chấn chỉnh kịp thời đối với tổ chức, cá nhân liên quan nhằm giải quyết triệt để tình trạng này.
Bên cạnh đó, cần xem xét lại quy định hiện hành về đặc điểm lịch sử cá nhân trong một số lĩnh vực đời sống xã hội, ngành nghề. Theo đó, nên áp dụng nguyên tắc cá biệt hóa sai phạm, không nên tiếp tục duy trì quan điểm “cha làm, con chịu” khi xét lý lịch, vì điều này không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Nếu không sớm chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, sẽ gây lãng phí rất lớn trong việc đào tạo bồi dưỡng, phát huy nguồn nhân lực và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những CBCC đã được tuyển dụng, bổ nhiệm.
VĨNH LINH - Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Tin cậy và tạo điều kiện phát huy sức trẻ
Tại nhiều cơ quan chính quyền cấp phường xã thị trấn ở TPHCM, có thể gặp rất nhiều cán bộ trẻ đang giữ trọng trách. Đó là các bạn trẻ xuất thân từ cán bộ đoàn, cán bộ pháp chế. Nhiều bạn có trình độ đại học, có nhiệt huyết, có hoài bão, luôn trăn trở tìm giải pháp để thực hiện thật tốt nhiệm vụ. Có những cán bộ trẻ ở địa phương đã vận dụng kiến thức lập trình, làm các chương trình phần mềm chấm công, đánh giá sự hài lòng của người dân với cán bộ tiếp dân, thông báo lịch tiếp dân, thông báo tình hình và thủ đoạn của tội phạm…
Rất hoan nghênh việc tin cậy và tạo điều kiện phát huy sức trẻ. Tuy nhiên, trưởng thành từ phong trào Đoàn TNCS là chưa đủ, cần xét thêm tiêu chí là người thực sự có kiến thức, nhạy bén và xông xáo trong công việc, nắm bắt và xử lý kịp thời lĩnh vực được phân công quản lý. Trong công tác cán bộ, nên chú ý rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách những CBCC trẻ có học thức và khát vọng cống hiến.
TRẦN THỐNG - Cán bộ hưu trí phường 28, quận Bình Thạnh, TPHCM
Chọn người có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm
Vấn đề cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề “then chốt của then chốt”, không những ở cấp trung ương, mà còn ở từng ngành, từng đơn vị, địa phương. Để bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nề nếp theo hướng chủ động, chuyên nghiệp, người làm công tác cán bộ phải có đủ năng lực, trình độ, tầm nhìn. Thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc cho cơ quan quản lý nhà nước không phải là công việc đơn giản, vì phải luôn trong sự cạnh tranh quyết liệt.
Để thu hút người tài, việc đầu tiên là phải đảm bảo tính công khai, minh bạch và công bằng trong công tác tuyển dụng và thi tuyển; phải thông báo rõ ràng chủ trương, chính sách về việc tuyển dụng, những yêu cầu đặt ra đối với người dự tuyển (bằng cấp, trình độ, chuyên môn, ngoại ngữ…) và cả các chính sách hỗ trợ, phát triển lâu dài cho người được tuyển dụng như tiền lương, sự thăng tiến trong sự nghiệp và các chế độ đãi ngộ khác… Công tác cán bộ phải chọn được những nhân sự đáp ứng tiêu chuẩn về sự chính trực, là người thực sự có đức lẫn tài, có tâm huyết và khát vọng cống hiến, có tư duy đổi mới, tầm nhìn xa trong cách giải quyết vấn đề, dám nghĩ, dám làm và quyết liệt trong công việc.
Trong thực tế đã có không ít trường hợp cán bộ có năng lực, tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm, bị bất mãn và dần mất lửa cống hiến vì thiếu cơ chế bảo vệ - do nhận thức của lãnh đạo, của tập thể trong việc nhìn nhận vấn đề cũng như nắm bắt cơ hội chậm hơn so với sự đổi mới, sáng tạo của một số bộ phận cán bộ có tư duy vượt trội hơn. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ quy trình tuyển dụng nhằm tránh tình trạng chạy chức, chạy quyền. Quy định rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu trong công tác cán bộ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm tạo dựng niềm tin cho đội ngũ cán bộ, người tài có khát vọng và tâm huyết cống hiến.
Th.S NGUYỄN TUẤN ANH - Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM