Cũng giống với hai album trước đó, Nguyễn Thành Trung tin tưởng gửi gắm đứa con tinh thần của mình cho NSND Quốc Hưng. Ban đầu CD chỉ gồm tám ca khúc, trong đó có hai bài mới là Cô đơn, Anh sẽ đến như bình minh, sáu tác phẩm trước đó đã được khán giả biết đến qua các phần trình diễn và sản phẩm âm nhạc của các ca sĩ là Xa em, Ngôi nhà, Hà Nội cũ, Nỗi nhớ 2, Về với biển, Đê chiều.
Sát ngày thực hiện, Nguyễn Thành Trung lại đem đến cho người phụ trách biên tập và đạo diễn âm nhạc của mình hai ca khúc nóng hổi vừa ra lò là “Thu lỡ hẹn”, “Thu trả cho đời”. Trong đó “Thu lỡ hẹn” được chính Nguyễn Thành Trung đề nghị mời ca sĩ Quang Hà hát.
Bản thân Quang Hà vốn là người hát rất nhạc cảm. Có lẽ chính vì thế, Nguyễn Thành Trung đã nhắm anh cho ca khúc này. Trước đó, NSND Quốc Hưng cũng đã kể cho Quang Hà nghe hoàn cảnh, câu chuyện Thu lỡ hẹn ra đời. “Khi chọn những ca sĩ hát cho Trung, tôi nói tất cả các câu chuyện, cốt truyện Trung viết, kể cả với Quang Hà, để dù thời gian rất ngắn nhưng Quang Hà hát như rút ruột, rút gan ở tác phẩm Thu lỡ hẹn” - Quốc Hưng chia sẻ.
Nỗi buồn khắc khoải, day dứt được Quang Hà thể hiện rất rõ nét qua chất giọng trầm ấm, từng trải. NSND Quốc Hưng bảo, anh rất ưng ý với phần thể hiện của học trò cưng. Phần phối khí được giao cho nhạc sĩ Hà Trung, một người rất chỉn chu, tinh tế. NSND Quốc Hưng còn cấy thêm đàn dây, guitar để tăng sự da diết cho nhạc phẩm.
Ba album - gia tài đáng mơ ước của một người “tay ngang” đến với âm nhạc, nhưng người nhạc sĩ “dạo chơi” trong làng nhạc vì đam mê Nguyễn Thành Trung lại khiêm nhường: “Tôi viết nhạc chỉ như phút dừng lại của bản thân, cần có khoảng thời gian nhìn lại mình, suy nghĩ về những điều đã diễn ra, bản thân đã trải nghiệm”. Suy cho cùng, âm nhạc là cảm xúc, cảm xúc tạo nên âm nhạc, bởi vậy những ca khúc đến từ tận cùng cảm xúc trước cuộc đời, tình yêu của Nguyễn Thành Trung đã “chạm” với trái tim người nghe, từ đó mà thành tri âm.
Nguyễn Thành Trung là người có cảm xúc như thế nào sẽ viết nhạc như thế chứ không cần rập khuôn theo câu tứ gì cả. Chính vì thế nên khi tác phẩm đến với người nghe, có thể mọi người nghe tác phẩm mới chưa quen nhưng khi nghe nhiều, nghe lâu mới thấm cảm xúc của Trung, tỏa lan sang cảm xúc của người nghe. Từ đó có tiếng lòng đồng điệu, đồng cảm và yêu mến các ca khúc của anh.