Tuy nhiên, thầy trò HLV Troussier đang đứng trước những thử thách về bản lĩnh và đẳng cấp khi mà tương quan giữa chúng ta và Indonesia đã khác trước rất nhiều.
Với tham vọng nâng tầm nền bóng đá, Indonesia đang có những bước đi táo bạo thông qua việc triệt để khai thác cơ chế nhập tịch với những cầu thủ được sinh ra và lớn lên tại châu Âu. Trong khi đó HLV Troussier lại đau đầu về vấn đề nhân sự với tình trạng chấn thương cùng sự thiếu hụt nguồn cung chất lượng.
Chia sẻ áp lực với nhà cầm quân người Pháp, LĐBĐ Việt Nam cam kết ủng hộ công việc hiện tại của HLV Troussier, đồng thời khẳng định sẽ kiên trì định hướng xây dựng đội tuyển quốc gia theo hướng phát huy nội lực. Đây là chọn lựa hợp lý đối với bóng đá Việt Nam. Trước đây, chúng ta đã từng thử nghiệm việc sử dụng cầu thủ nước ngoài nhập tịch để phục vụ đội tuyển nhưng nhanh chóng nhận thấy đó là hướng đi không bền vững. Trên thực tế, nhiều quốc gia châu Á có bất lợi về hình thể cũng đã tìm đến giải pháp này nhằm thúc đẩy nhanh đẳng cấp của đội tuyển nhưng lợi bất cập hại, tiêu biểu như trường hợp của Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia hiện tại. Gần 3 thập niên trước, Nhật Bản là nơi đầu tiên tiếp cận phương thức này nhưng ngay lập tức hủy bỏ, chuyển sang xây dựng nội lực trên cơ sở đào tạo cầu thủ trẻ và phát triển chuyên nghiệp cho giải vô địch quốc gia.
Không “đi tắt” bằng các biện pháp ngắn hạn thì chỉ còn cách duy nhất là hoàn thiện sức mạnh cho mình thông qua nâng chất lượng cho nền bóng đá. Những vấn đề mà HLV Troussier đang đối mặt cho thấy bóng đá Việt Nam không thể tăng tốc khi nền tảng vẫn chưa hoàn thiện. Nhiều CLB đang chơi tại V-League hiện không đáp ứng được các tiêu chuẩn AFC, dù ở mức độ tối thiểu, mà tiêu biểu là tình trạng 3 CLB sử dụng chung sân Hàng Đẫy - Hà Nội. Thành tích của CLB Việt Nam tại châu Á cũng không tốt, mùa tới chúng ta không có suất dự AFC Champions League. Hiện cũng chỉ còn duy nhất một cầu thủ xuất ngoại là tiền đạo Công Phượng nhưng chưa đủ năng lực để đá chính ở J-League 2. Còn theo bảng “Chỉ số sức mạnh” của hãng thống kê Opta Power thì V-League hiện còn xếp sau các giải đấu của Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Nhìn sang Thái Lan, từ năm 2017 đến nay họ đã thay đến 5 HLV khác nhau nhưng vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng, chưa thay đổi được đẳng cấp. Nhưng trong thời gian đó, họ 2 lần vô địch AFF Cup, tham dự 2 kỳ Asian Cup và vào vòng knock-out ở giải châu Á vừa qua. Tại cấp CLB, ở 3 mùa giải AFC Champions League gần nhất, Thai-League vẫn có đại diện vào đến vòng knock-out, điều mà bóng đá Việt Nam chưa từng làm được, qua đó duy trì được số suất dự giải đấu hàng đầu châu lục. Nghĩa là dù vẫn đang bế tắc tìm giải pháp để trở lại đỉnh cao nhưng bóng đá Thái Lan vẫn duy trì được vị thế hàng đầu Đông Nam Á, đó chính là kết quả của nội lực mà họ đã xây dựng suốt 3 thập niên qua.
Không thể chạy nhanh khi đôi chân chưa vững mạnh. Triển vọng dự World Cup của bóng đá Việt Nam không còn ngoài tầm tay nhưng có được chiến tích lịch sử ấy sớm hay muộn còn tùy vào cách chúng ta tập hợp đầy đủ những yếu tố mang tính cốt lõi để tạo nên đẳng cấp của một nền bóng đá. Không chỉ có bất lợi về thể hình, các nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất, hệ thống đào tạo của bóng đá Việt Nam hiện nay cũng kém hơn nhiều quốc gia châu Á khác. Ngay cả việc khai thác nguồn thu từ kinh doanh vật phẩm, bản quyền hình ảnh… hiện vẫn chưa được bao nhiêu. Đó chính là mục tiêu vừa trước mắt mà cũng là lâu dài để những nhà quản lý tập trung thực hiện, kêu gọi đầu tư. Khởi đầu chậm nhưng các bước đi cũng phải bảo đảm tính bền vững, chắc chắn trong tính toán chiến lược.