Cống, đê bao… chờ vốn
Hai năm qua, Bộ NN-PTNT và tỉnh Tiền Giang đã chi gần 1.400 tỷ đồng đầu tư xây dựng 7 cống ngăn mặn (Rạch Gầm, Phú Phong, Cây Còng, Hai Tân, Mù U, Cái Sơn, Nguyễn Tấn Thành) nhằm kiểm soát mặn xâm nhập từ sông Tiền. Dự kiến các dự án ngăn mặn, trữ ngọt này sẽ được đưa vào vận hành cuối năm 2024. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng, tỉnh vẫn còn “cả núi nỗi lo” trong ứng phó với hạn mặn. Hiện hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vẫn chưa khép kín, hàng loạt công trình, dự án như Dự án cống Trà Tân, Ba Rài, Cái Bè (vốn đầu tư 880 tỷ đồng); Dự án xây dựng hệ thống đê bao và các cống ngăn mặn cù lao Ngũ Hiệp (600 tỷ đồng); Dự án xây dựng hệ thống đê bao và các cống ngăn mặn cù lao Tân Phong (500 tỷ đồng)... vẫn chưa được triển khai do thiếu vốn.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng, ở miền Tây, sông ngòi chằng chịt và thông nhau, nếu hệ thống thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt không được đầu tư đồng bộ, khép kín, hiệu quả sẽ không được phát huy. Dọc sông Tiền có 10 cống, nhưng mới xây được 7 cống. Địa phương rất đau đầu trước bài toán kinh phí để xây dựng 3 cống còn lại từ Bảo Định ngược lên thượng lưu. “Dù rất khó nhưng Tiền Giang sẽ quyết tâm, bởi nếu không làm, người dân sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ hạn mặn, chưa kể lãng phí nguồn kinh phí đã đầu tư các cống trước đó”, ông Phạm Văn Trọng chia sẻ.
Trong tình trạng tương tự, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, thông tin, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở địa phương vẫn phải đối diện với nhiều rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu, nhất là hạn mặn kéo dài. Khó khăn lớn nhất hiện nay là các công trình, hệ thống thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt trong kế hoạch (như kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu; nâng cấp đê bao các cồn trên sông Hậu; khẩn cấp xây dựng các cửa cống đầu nguồn lấy nước vùng Long Phú - Tiếp Nhật…) vẫn chưa được triển khai do vốn đầu tư vượt khả năng nguồn lực của địa phương.
Nhiều đập, hồ chứa không phát huy hiệu quả
Trong khi nhiều công trình, cống, đập thủy lợi mới đang chờ vốn, chưa được xây dựng, thì không ít công trình thủy lợi đã xây dựng xong, đưa vào vận hành nhưng không phát huy hiệu quả. Công tác ứng phó với biến đổi khí hậu vì thế càng gian nan hơn. Thực tế này đang diễn ra tại tỉnh Bến Tre.
Với mục tiêu ngăn mặn, trữ ngọt, tiêu úng, tiêu chua, rửa phèn, cải tạo đất cho 193.000ha đất tự nhiên, trong đó có 100.000ha đất canh tác, kiểm soát mặn cho 20.100ha đất nuôi trồng thủy sản, năm 2000, tỉnh Bến Tre triển khai xây dựng đập Ba Lai với tổng kinh phí gần 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, đến nay công trình này vẫn chưa phát huy hiệu quả như kế hoạch ban đầu. Ông Trịnh Minh Hà (xã Tân Xuân, huyện Ba Tri) phân tích, dù có đập Ba Lai nhưng thời gian qua, nước mặn từ sông Cửa Đại vẫn theo sông Hàm Luông, sông Giao Hòa và kênh Chẹt Sậy chảy vào, khiến nước sông Ba Lai bị nhiễm mặn. Độ mặn trên sông Ba Lai ngày càng tăng cao, nhất là khi mùa khô kéo dài, khiến người dân địa phương không thể sử dụng nguồn nước này sản xuất nông nghiệp. Để khắc phục tình trạng này, mới đây tỉnh Bến Tre phải tốn thêm nhiều kinh phí để thực hiện giải pháp tình thế là đắp đập tạm chặn dòng Ba Lai.
Cách đập Ba Lai không xa, hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp (huyện Ba Tri, Bến Tre) được xây dựng năm 2017 với kinh phí 85 tỷ đồng. Sau 5 năm đi vào vận hành, đến nay hồ chứa nước ngọt này đã bị nhiễm mặn. Hiện nước trong hồ đã bị nhiễm mặn ở ngưỡng 0,6‰ (vượt mức cho phép), khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của hơn 200.000 dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng
“Rất khó chấp nhận một công trình quy mô lớn, có kinh phí đầu tư gần trăm tỷ đồng nhưng không phát huy hiệu quả. Điều chúng tôi bức xúc hơn là trả lời báo chí mới đây, ngành nông nghiệp tỉnh và đơn vị quản lý hồ chứa nước đổ lỗi khách quan, do đất lòng hồ đã nhiễm mặn từ trước. Nếu biết đất lòng hồ nhiễm mặn, vậy đầu tư hồ trữ nước ngọt ở vị trí trên làm chi cho lãng phí”, ông Vương Hùng (nhà gần hồ Kênh Lấp) bức xúc.
Vùng ĐBSCL đối mặt với ngập mặn, sạt lở, nước biển dâng ngày càng nghiêm trọng. Trong những năm gần đây, mỗi năm sạt lở làm mất 500ha đất ven biển, hơn 19.000 hộ dân ven sông phải di dời. Toàn vùng hiện còn 561 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài khoảng 810km. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 63 điểm/204km cần được xử lý với kinh phí khoảng 13.648 tỷ đồng.
Xã hội hóa các dự án cấp nước
Đứng trước khó khăn thiếu kinh phí để thực hiện các giải pháp công trình, đầu tư hạ tầng ứng phó với hạn mặn, nhiều địa phương chủ động thực hiện chủ trương xã hội hóa nguồn lực. Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, khẳng định, tỉnh đang tập trung triển khai các dự án cấp nước sinh hoạt cho người dân theo hướng này, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp vào phát triển hệ thống nước sạch ở nông thôn. Sự tham gia của nguồn vốn doanh nghiệp sẽ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách, tuy nhiên địa phương cần tăng cường sự giám sát, quản lý để bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Đối với các dự án cấp nước từ nguồn ngân sách, Cà Mau đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021-2025 với tổng vốn đầu tư gần 75 tỷ đồng. Theo đó, sẽ xây dựng tuyến ống phân phối (tuyến ống nhánh) gần 200km, phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 13.864 hộ dân tại các huyện Trần Văn Thời, Cái Nước, Đầm Dơi, Phú Tân, Thới Bình, Năm Căn, Ngọc Hiển và TP Cà Mau. Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau cũng sẽ nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, vận hành hệ thống cấp nước đảm bảo bền vững, hiệu quả trong dịch vụ cung cấp nước sạch; sử dụng công nghệ xử lý nước phù hợp, không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho biết, tỉnh vừa bố trí kinh phí đầu tư 5 tuyến ống chính để chuyển tải nguồn nước của Nhà máy nước Đồng Tâm về các huyện phía Đông, đồng thời thực hiện Dự án mạng lưới đường ống cấp nước phía Đông và trạm bơm tăng áp Gò Công với tổng kinh phí 345 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án này là giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt trong mùa khô cho người dân huyện Gò Công Đông và các huyện phía Đông của tỉnh. Trong thời gian tới, Tiền Giang sẽ tiếp tục đầu tư 18 công trình cấp nước chính; 11 công trình thuộc Dự án đầu tư mạng lưới cấp nước thứ cấp phục vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn; 350 công trình cấp nước vùng lõm với tổng kinh phí thực hiện 1.752 tỷ đồng.
Ngay khi Báo SGGP khởi đăng loạt bài này, ngày 25-3, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã lập đoàn công tác, trực tiếp đi thực tế, kiểm tra việc triển khai các giải pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn. Đoàn đã đến kiểm tra tình hình sản xuất lúa, trồng cây ăn trái; công tác xây dựng, vận hành các cống thủy lợi trên địa bàn các huyện Kế Sách, Long Phú và Trần Đề.
Báo cáo với đoàn, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng thông tin, đến thời điểm này, tỉnh ghi nhận thiệt hại khoảng 1.000ha trong tổng số hơn 6.000ha lúa đông xuân muộn (vụ 3) do thiếu nước kết hợp nhiễm phèn tại huyện Long Phú. Ngoài ra, còn khoảng 40.000ha lúa đang đứng trước nguy cơ chết khô, do thiếu nước trầm trọng. Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, sẽ làm việc lại với các địa phương, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân sản xuất theo quy hoạch, khuyến cáo.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã yêu cầu ngành nông nghiệp chỉ đạo các các đơn vị liên quan nỗ lực vận hành, điều tiết hợp lý hệ thống cống, tranh thủ lấy nước ngọt để cứu các diện tích lúa đang có nguy cơ hư hại. Đồng thời, khẩn trương thi công các công trình thủy lợi mới, sửa chữa các cống với tiến độ nhanh nhất, kịp thời cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân trong thời gian còn lại của mùa khô.
Tại cống âu thuyền Rạch Mọp (thuộc Dự án công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu), Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu yêu cầu chính quyền địa phương nhanh chóng bàn giao mặt bằng, chủ đầu tư và nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để công trình đi vào hoạt động trong năm 2024.
TUẤN QUANG