Chậm thích ứng biến đổi khí hậu: Hậu quả nặng nề - Bài 1: Chưa thuận thiên, thiếu chủ động

Tính đến giữa tháng 3-2024, tại các tỉnh ĐBSCL đã có hơn 40.000ha đất sản xuất bị thiếu nước tưới, hơn 200.000 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt, gần 400 vụ sụt lún, sạt lở đất… do ảnh hưởng của khô hạn. Theo dự báo của cơ quan khí tượng, mùa khô 2024 sẽ kéo dài đến hết tháng 5, thiệt hại sẽ không dừng lại.

LTS: Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang căng mình chống chọi với những hệ lụy do biến đổi khí hậu: khô hạn kéo dài, nước mặn xâm nhập sâu... So với đợt hạn mặn kỷ lục của mùa khô 2016, mức độ gay gắt của năm nay không bằng, nhưng thiệt hại ước tính khá lớn. Thực tế này đặt ra yêu cầu, ngành chức năng và các địa phương ĐBSCL sớm đánh giá lại toàn bộ giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đã triển khai để có điều chỉnh kịp thời, phù hợp, tránh hậu quả nghiêm trọng phát sinh trong tương lai.

Sản xuất “cực đoan”, lúa chết khô

Hơn 10 ngày qua, gia đình ông Thạch Mỹ (xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) chạy đôn chạy đáo mua máy bơm, đào mương tạm để dẫn nước từ 2 ao nước ngọt tích trữ cuối cùng trong vườn ra ruộng, với hy vọng cứu được 2ha lúa đã sạ gần 1,5 tháng. Thế nhưng, lượng nước tưới vẫn không thấm vào đâu, lúa bắt đầu cháy lá.

Ông Thạch Mỹ tiếc nuối: “Đúng là người tính không bằng trời tính. Thấy giá lúa tăng cao, thu hoạch vụ đông xuân 2023-2024 xong, tui và nhiều nông dân ở địa phương tranh thủ xuống giống làm lúa vụ 3 để có thêm thu nhập. Dù đã tích trữ nước trong ao để tưới nhưng không đủ do năm nay khô hạn kéo dài và gay gắt hơn mọi năm, mặn xâm nhập sâu. Nếu tuần tới không có mưa, coi như tui mất trắng gần 35 triệu đồng tiền công, giống, phân bón từ đầu vụ tới nay”…

Cạnh ruộng lúa của ông Thạch Mỹ, ruộng lúa của nhiều nông dân khác cũng đang héo dần, cháy ngọn, khô thân, một số hộ đành cắt lúa non cho bò, vịt ăn.

Y5b.jpg
Nhiều diện tích lúa vụ 3 ở Sóc Trăng bị chết khô vì thiếu nước tưới do hạn mặn

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, hàng trăm hộ nông dân ở xã Tân Hưng, huyện Long Phú sản xuất lúa “cực đoan”, không theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp nên phải gánh chịu thiệt hại nặng nề bởi hạn mặn. Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết, từ giữa năm 2023, khi các chuyên gia, cơ quan khí tượng dự báo dưới tác động của El Nino, mùa khô 2023-2024 hạn mặn sẽ diễn ra gay gắt và kéo dài, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp chính quyền địa phương khuyến cáo, vận động nông dân không làm lúa vụ 3 nối tiếp vụ đông xuân, có thể chuyển đổi cây trồng khác để né hạn mặn. Tuy nhiên, do sản xuất theo tập quán, lại tranh thủ giá lúa tăng cao, một bộ phận nông dân vẫn bất chấp mà xuống giống.

Theo thống kê, tính riêng tại huyện Long Phú (Sóc Trăng) đã có 6.000ha lúa gieo sạ ngoài kế hoạch, không theo khuyến cáo, trong đó khoảng 3.000ha đang bị thiếu nước và 1.000ha thiếu nước nghiêm trọng, nguy cơ chết khô. “Với diện tích lúa đang “hấp hối” này, địa phương tích cực vận hành các cống ngăn mặn một cách linh hoạt, khi độ mặn ở ngưỡng cho phép sẽ nhanh chóng mở cống lấy nước. Tuy nhiên, e rằng rất khó cứu, vì mặn đang lấn sâu vào nội đồng”, ông Huỳnh Ngọc Nhã nói.

Tại Cà Mau, hàng ngàn diện tích lúa 2 vụ trong vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời cũng đang trong tình trạng “khát nước” gần 10 ngày qua. Nông dân như “ngồi trên lửa” bởi nguy cơ mất trắng vụ lúa. Trong khi đó, kế bên là huyện Thới Bình, nhờ hiểu rõ vùng đất nhạy cảm với nước mặn nên khi nghe dự báo mùa khô 2023-2024 sẽ kéo dài, hạn mặn gay gắt, từ tháng 9-2023, chính quyền địa phương đã khuyến cáo, tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi sang mô hình lúa - tôm (chịu được nước lợ). Đến nay, toàn bộ diện tích lúa - tôm này đều phát triển tốt, nông dân thu hoạch tôm cho thu nhập cao.

Thiếu quy hoạch, nước mặn lấn sâu

Hậu Giang là tỉnh được “che chắn” bởi Bạc Liêu và Kiên Giang (2 địa phương có hệ thống cống kiểm soát mặn khá bài bản, trong đó có hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé). Thế nhưng, hiện nay nước mặn vẫn len lỏi, lấn sâu vào các mương, rạch, vườn cây ăn trái, rau màu, khiến nông dân lao đao ứng phó. Ông Lê Hồng Việt, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Long Mỹ, cho hay: “Do vùng Gò Quao - Kiên Giang (giáp ranh với huyện Long Mỹ) vẫn còn lấy nước mặn nuôi tôm nên nước mặn theo đó xâm nhập. Đây là câu chuyện khó khăn trong việc kiểm soát mặn lâu nay của địa phương”. Thực tế, việc phải đối phó với mặn “đan xen” như tại huyện Long Mỹ ở các tỉnh ven biển ĐBSCL là không hiếm.

Theo ông Lê Hồng Việt, đã đến lúc các địa phương cần ngồi lại, căn cứ đặc thù, đặc điểm, thổ nhưỡng của cả khu vực… để có quy hoạch vùng sản xuất cụ thể, ứng phó hiệu quả hơn với hạn mặn trong mùa khô. “Chúng ta sản xuất, nuôi trồng trên tinh thần thuận thiên, thích nghi nhưng phải có kiểm soát, có chủ động, có tính toán, có kế hoạch và hài hòa. Không thể trong một khu vực, nhưng người này dẫn nước ngọt làm rau màu, người kia đưa nước mặn vào nuôi tôm, cua. Mạnh ai nấy làm, về lâu dài là không bền vững. Khi hạn mặn gay gắt, dễ để lại hậu quả lớn”, ông Việt nói.

Theo chuyên gia nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, ThS Nguyễn Hữu Thiện, thủy triều mùa khô năm nay dâng cao hơn trung bình nhiều năm, đẩy nước mặn vào đất liền. Tại các cửa sông lớn, các công trình ngăn mặn (đê cống) đã đóng chặt, lúc này áp lực nước thủy triều chảy vào các nhánh sông Cửu Long lớn, thọc sâu kênh mương, nội đồng. Thực tế phát sinh này cho thấy, việc “cố thủ” ngăn mặn triệt để vùng ven biển cũng chưa thực sự phát huy được hiệu quả, mặn vẫn có thể vào sâu trong đất liền theo các ngã sông nhánh, vì hiện nay hệ thống thủy lợi ở nhiều nơi vẫn chưa khép kín.

Loay hoay tìm nước ngọt sinh hoạt

Ghi nhận tại các tỉnh ven biển miền Tây trong những ngày hạn mặn gay gắt giữa tháng 3, từ Tiền Giang, Bạc Liêu đến Cà Mau, Kiên Giang, đâu đâu chúng tôi cũng thấy người dân sống chật vật, lao đao do thiếu nước ngọt sinh hoạt. Thực tế này cho thấy cách ứng phó hạn mặn ở nhiều địa phương còn bị động, lúng túng. Hạn mặn khốc liệt vào mùa khô năm 2024 đã được các chuyên gia cảnh báo khá sớm khi tình trạng El Nino đã được công bố từ tháng 6-2023, thế nhưng ngay từ đầu, các địa phương chưa chủ động lên phương án hỗ trợ người dân chuẩn bị phương án dự phòng: tích trữ nước mưa, dẫn nước ngọt từ nơi khác về...

Y1d.jpg
Kênh mương vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) cạn nước, trơ đáy trong mùa khô Ảnh: TẤN THÁI

Hai tháng qua, hơn 500 hộ dân ở xã Biển Bạch (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) phải sống trong cảnh thiếu nước trầm trọng. Bà Lê Thị Tím (ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch) cho biết, ở vùng này người dân không khoan được giếng nên trước giờ phải tích trữ nước mưa sử dụng. Năm nay, hạn mặn gay gắt, mới giữa mùa khô, bà con đã sử dụng hết nước trong bồn, lu. Lo lắng không có nước để sinh hoạt, nhiều gia đình đến xã kêu cứu, song đến nay địa phương vẫn chưa có phương án hỗ trợ. “Để có nước sử dụng, tụi tui phải mua nước từ các ghe ở nơi khác chở đến với giá 50.000-70.000 đồng/khối. Giá cao nhưng không phải lúc nào mua cũng có, vài ngày mới có ghe chở nước đến”, bà Tím cho biết.

Sống giữa vùng sông nước, nhưng năm nào cũng vậy, người dân Gò Công Đông (Tiền Giang) phải chật vật đi mua từng can nước nước ngọt để nấu ăn, tắm giặt khi mùa khô đến. Ông Dương Phụng ở xã Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông) cho biết, chuyện thiếu nước ngọt ở vùng này tồn tại hàng chục năm qua.

“Mùa khô năm 2016, hạn mặn kỷ lục, bà con kiệt quệ do không có nước sử dụng. Lãnh đạo Trung ương vào thực tế kiểm tra, chỉ đạo, địa phương cam kết đầu tư nhà máy nước, dẫn nước từ nơi khác về. Thế mà đến nay, lời hứa đó vẫn chưa được thực hiện, bà con vẫn khát giữa mùa khô”, ông Phụng bức xúc. Trước tình hình thiếu nước sinh hoạt kéo dài trên địa bàn, đầu tháng 3, tỉnh Tiền Giang triển khai giải pháp tình thế, cho mở 40 vòi nước công cộng tại 2 huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông. Tuy nhiên, đến nay người dân vẫn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng!

Nghị quyết 120 của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu nêu rõ, muốn phát triển bền vững phải “thuận thiên”, sống chung với lũ, mặn, khô hạn, thiếu nước; chọn mô hình sản xuất thích ứng theo tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tại… Thế nhưng, thời gian qua, các địa phương vùng sông nước Cửu Long vẫn chưa thực hiện được nhiều giải pháp ứng phó theo hướng này; chưa có quy hoạch sản xuất theo đặc thù, đặc điểm của khu vực; người dân vẫn sản xuất “cực đoan”… Hậu quả, khi hạn mặn gay gắt diễn ra, cuộc sống đảo lộn, kinh tế bị thiệt hại nặng nề.

Quyết định 2140/QĐ-TTg ngày 8-11-2016 của Thủ tướng về Phê duyệt Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030 nêu rõ: Bộ Xây dựng phối hợp các địa phương nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý vận hành hệ thống cấp nước quy mô vùng, liên tỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, phát triển cấp nước vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, đến nay việc “đấu nối” vận hành hệ thống cấp nước quy mô vùng, liên tỉnh gần như chưa có bước tiến triển.

Tại Hậu Giang, năm 2015, Công ty CP Nước AquaOne Hậu Giang đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng Nhà máy Nước mặt Sông Hậu (công suất 100.000m3/ngày đêm). “Theo quy hoạch, đây là nhà máy nước cấp vùng, tuy nhiên đến nay, ngoài Hậu Giang, chưa có thêm địa phương nào liên hệ, xúc tiến cấp nước cho người dân sinh hoạt, dù ở nhiều nơi thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô”, ông Tạ Bình Nguyên, Giám đốc Công ty CP Nước AquaOne Hậu Giang, cho biết.

Tin cùng chuyên mục