Khách hàng được cung cấp một hộp Set top box, một webcam kết hợp với TV và một trợ lý giọng nói giống Siri trên điện thoại iPhone. Khách hàng có quyền truy cập vào hệ thống từ xa và hệ thống SOS cũng như các dịch vụ trả tiền, bao gồm dịch vụ dọn phòng và giao đồ ăn. Nếu thêm 2 nhân dân tệ mỗi ngày, bạn sẽ có 1 robot nhỏ có thể gọi cho trung tâm y tế để giúp người già khi có nhu cầu khám bệnh.
Ra mắt chỉ 4 tháng trước, hệ thống chăm sóc thông minh Lanchuang đã thu hút 220.000 khách hàng cao tuổi ở 16 thành phố. Một nửa trong số đó ở Sơn Đông, tỉnh đang có dân số già đi nhanh. Công ty này đang nhắm mục tiêu có tới 1,5 triệu khách hàng trong năm nay, 12 triệu vào năm tới và 30 triệu vào năm 2021 với hy vọng sẽ được lên sàn chứng khoán Trung Quốc. Theo Reuters, Giám đốc Li Libo cho biết, thị trường chăm sóc người cao tuổi ở Trung Quốc rất lớn, nhưng các dịch vụ trong ngành này bị phân mảnh và còn rất non trẻ. Lanchuang cũng đang hợp tác với China Mobile để chăm sóc sức khỏe cho người cao niên qua điện thoại thông minh.
Theo ước tính của Chính phủ Trung Quốc, nước này có khoảng 250 triệu người từ 60 tuổi trở lên và đến năm 2050, con số đó sẽ tăng lên gần nửa tỷ, tương đương 35% dân số. Ở Trung Quốc, nơi chính sách 1 con mới bị bãi bỏ trong năm 2016, hiện trung bình 1 người con phải chăm sóc tới 4 người già (ông bà và cha mẹ). Số lượng cơ sở hưu trí và viện dưỡng lão đang gia tăng, nhưng mức giá còn quá đắt đối với hầu hết các gia đình. Theo các cuộc khảo sát chính thức, 3/4 người già thích sống những ngày cuối đời ở nhà.