Theo Tổng cục Thống kê, mức sụt giảm 4,3% thể hiện rõ khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam trước nhiều rủi ro, biến động trong năm 2022 và vẫn đang kéo dài sang năm 2023.
Đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia phát triển có dấu hiệu chững lại dù đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Đây là hệ quả cộng hưởng từ một số yếu tố bất lợi như bối cảnh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; xung đột chính trị tại một số quốc gia trên thế giới ngày càng gay gắt; áp lực giá cả và lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; nhu cầu hàng hóa toàn cầu có xu hướng giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi.
Thêm vào đó, điều kiện tài chính toàn cầu có xu hướng thắt chặt, ảnh hưởng mạnh đến doanh nghiệp, thương mại và đầu tư quốc tế... Những yếu tố này đang ảnh hưởng tiêu cực đến các đối tác đầu tư của Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hơn, bức tranh cũng không hoàn toàn sẫm màu. Dù tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đầu năm 2023 giảm 4,3% so với cùng kỳ nhưng mức giảm này đã được cải thiện so với cùng kỳ năm 2022 (giảm tới 8,1%). Trong đó, vốn đầu tư cấp mới (chiếm 48,3% tổng vốn đăng ký) tăng 31,3% về tiền và tăng 71,9% về số dự án; vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (chiếm 29,9% tổng vốn đăng ký) tăng 79%; chỉ có vốn đăng ký tăng thêm (chiếm 21,8% tổng vốn đăng ký) giảm 57,1%.
Điểm đáng lưu ý trong 6 tháng qua là các nhà đầu tư quy mô nhỏ và vừa tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam để đưa ra các quyết định đầu tư mới. Trong khi đó, các tập đoàn lớn dường như vẫn cẩn trọng xem xét kỹ tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ năm 2024.
Với TPHCM, hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ, đưa tổng vốn đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến ngày 20-6 đạt 2,8 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước.
Để thu hút vốn FDI có chất lượng thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, việc hoàn thiện thể chế, nhất là rà soát, sửa đổi cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài đặt trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đã là việc không thể chần chừ thêm.
Bên cạnh các giải pháp mang tính “truyền thống” nhưng vẫn hết sức cần thiết như tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa, nâng cao chất lượng nguồn lao động…, chúng ta cần thêm các giải pháp thuyết phục những nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia. Trong đó, cơ quan liên quan cần chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của họ về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện.
Chính sách ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược, tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu, doanh nghiệp công nghệ cao có sự chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước… cũng cần rõ nét hơn, thực chất hơn, nhất là với những địa phương không còn nhiều “đất sạch” như TPHCM. Những chính sách này cũng không nên cố định, cứng nhắc mà cần có biên độ nhất định để kịp thời thích ứng với tình hình đầy biến động hiện nay.