Công nhân lao động là những người trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội, là đội ngũ chiếm phần lớn trong các nhà máy, xí nghiệp. Sức khỏe là tài sản quý mà bản thân công nhân cũng như các doanh nghiệp cần phải quan tâm, bao gồm đảm bảo chế độ dinh dưỡng và khám, theo dõi sức khỏe định kỳ.
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho công nhân lao động
Đời sống của công nhân lao động còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập khiêm tốn, lại chủ quan nên dễ bỏ qua sự chăm sóc dinh dưỡng cho bản thân, ăn uống qua loa cho qua bữa mà chưa quan tâm đến giá trị dinh dưỡng của mỗi bữa ăn. Điều này hết sức nguy hiểm nếu kéo dài sẽ dẫn đến kiệt sức, phát sinh bệnh tật, đặc biệt với những ngành nghề chuyên biệt, những công nhân phải tăng ca thường xuyên... Dinh dưỡng cho công nhân thế nào là đúng?
Nhu cầu năng lượng
Phụ thuộc vào tuổi, giới tính, tình trạng sinh lý, trọng lượng cơ thể, loại hình lao động, cường độ, thời gian lao động, tính chất cơ giới hóa và tự động hóa của quá trình sản xuất... Trong cùng một nhà máy, xí nghiệp các vị trí công việc khác nhau nhu cầu năng luợng cũng khác nhau.
Người ta chia lao động theo các mức độ:
- Lao động nhẹ gồm: Nhân viên văn phòng, nội trợ...
- Lao động vừa: Công nhân công nghiệp nhẹ, công nhân xây dựng, lao động nông nghiệp, đánh bắt cá, chiến sĩ quân đội không trong quá trình tập luyện...
- Lao động nặng: Lao động nông nghiệp mùa thu hoạch, công nhân mỏ, luyện thép, chiến sĩ quân đội trong quá trình tập luyện, vận động viên thể thao...
Bảng nhu cầu năng lượng theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng năm 2012
Nhu cầu các chất dinh dưỡng
- Protein: Khẩu phần người lao động cần có tỷ lệ từ 12-14% năng lượng do protein. Lượng protein ăn vào càng cao khi lao động càng nặng. Lượng protein động vật nên chiếm 30-35% tổng số protein. Lượng protein tối thiểu được khuyến nghị là 1,25g/kg/ngày. Protein có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, đậu... 100g thịt (cá nạc) cung cấp khoảng 20g protein, tương đương 200g đậu hủ, 3 quả trứng gà, 2 quả trứng vịt, 120g tôm còn vỏ...
- Lipid: Nên chiếm 18-25% nhu cầu năng lượng, nếu thiếu lipid có thể gây mất lớp mỡ dưới da, suy dinh dưỡng, giảm hấp thu các vitamin cần thiết tan trong chất béo... thừa lipid có thể gây thừa cân béo phì. Nên sử dụng dầu, các hạt có dầu, nên ăn khoảng 20g dầu/người/ngày.
- Carbohydrate: Nên chiếm 60-65% nhu cầu năng lượng, nếu thiếu carbohydrat trong khẩu phần gây sút cân và mệt mỏi, nếu ăn nhiều gây thừa cân béo phì. Nên ăn các loại carbohydrat phức hợp có trong gạo, ngũ cốc, hạn chế các loại đường ngọt. Mỗi ngày trung bình mỗi người cần 300g lương thực (gạo, ngũ cốc, khoai củ), lao động nặng cần nhiều hơn, nên ăn ít hơn 18g đường/ngày.
- Vitamin và chất khoáng: Cần tăng cường rau xanh, trái cây giúp cung cấp đủ vitamin, chất khoáng và chất xơ, giúp đảm bảo sức khỏe, phòng tránh bệnh tật. Khuyến nghị mỗi người mỗi ngày nên ăn đủ 300g rau và 200g trái cây.
Ăn uống hợp lý: Ăn đủ ba bữa chính/ngày, chú ý bữa ăn phụ trong các trường hợp có tăng ca, đảm bảo và cân đối 4 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn. Cho dù thu nhập thấp nhưng nếu khéo léo vẫn có những bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, ví dụ ăn nhiều cá hơn thịt, cá nhỏ rẻ tiền hơn cá lớn nhưng giá trị dinh dưỡng vẫn tốt, ăn trứng, đậu là những món giá trị dinh dưỡng cao nhưng không quá mắc, rau củ ăn theo mùa, vừa ngon, rẻ lại giàu dưỡng chất...
Để đảm bảo sức khỏe, người lao động cần được khám, theo dõi sức khỏe định kỳ hàng năm, những công việc nặng nhọc, môi trường độc hại cần khám nhiều hơn, nhằm đánh giá tình trạng dinh dưỡng và các chỉ số huyết học, sinh hóa, có biện pháp can thiệp kịp thời những bất thường của cơ thể giúp người lao động luôn trong trạng thái sức khỏe sung mãn, đạt năng suất cao trong công việc.
BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
Thành viên HĐQT Công ty NutiFood