Muỗi vằn chủ yếu sống trong nhà và chích chủ yếu vào ban ngày. Bệnh SXH xảy ra quanh năm, đặc biệt là mùa mưa, có thể thành dịch. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và thuốc phòng ngừa. Bệnh có thể trở nặng bất ngờ và gây tử vong nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời.
Trẻ mắc bệnh có các dấu hiệu: sốt cao liên tục 2 ngày trở lên; nổi chấm đỏ ở da, bầm da; ói có máu; tiêu ra máu; chảy máu mũi, máu chân răng; đau bụng, ói nhiều.
Do đó, trẻ sốt cao liên tục 2 ngày trở lên phải đưa đến cơ sở y tế khám ngay. Nếu nghi ngờ trẻ bị SXH, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khám bệnh ngay; hạ sốt bằng cách: cho uống thuốc hạ sốt theo toa của bác sĩ, lau mát bằng nước ấm khi sốt cao nhiệt độ ≥ 390C hoặc trẻ có nguy cơ co giật hay tiền căn co giật. Cho trẻ uống nhiều nước (nước chín, nước trái cây, nước biển khô…).
Bên cạnh đó, theo dõi trẻ thường xuyên và đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi thấy có một trong các dấu hiệu: lừ đừ, bứt rứt, vã mồ hôi, lạnh tay chân (nhất là khi trẻ hết sốt), ói nhiều, đau bụng nhiều, chảy máu bất thường. Không được cạo gió, cắt lể; uống thuốc Aspirin để hạ sốt; quấn kín, mặc quần áo dày khi sốt... Trẻ có thể chuyển nặng khi hết sốt vào ngày thứ 4, 5, 6 của bệnh.
Để phòng chống SXH, nên cho trẻ ngủ mùng, kể cả ban ngày; mặc quần áo dài tay; thoa kem chống muỗi; sử dụng nhang đuổi muỗi, thuốc xịt muỗi. Diệt muỗi và lăng quăng là biện pháp quan trọng và chủ yếu để phòng bệnh, không chỉ cho cá nhân mà cả cho cộng đồng. Đậy kín hồ, lu, dụng cụ chứa nước sử dụng và súc rửa thường xuyên; dọn dẹp những chỗ đọng nước trong nhà và quanh nhà; giữ nhà cửa sạch, thoáng.