Gcalls (tổng đài thông minh) - là một công ty khởi nghiệp về công nghệ của 2 thanh niên thế hệ 9x Phạm Tấn Phúc và Nguyễn Xuân Bằng - sản phẩm cung cấp giải pháp gọi tích hợp và trả lời cuộc gọi với việc sử dụng ứng dụng gọi thông minh trên trình duyệt và smartphone, giúp doanh nghiệp địa phương toàn cầu hóa dịch vụ chăm sóc khách hàng. Từ một startup (khởi nghiệp) từng gặp nhiều khó khăn để tìm kiếm khách hàng, đến nay sản phẩm của công ty đã phủ sóng hơn 60 quốc gia.
Cái khó “ló” cái khôn
Liên tục thất bại từ những startup trước đó và tưởng chừng phải bỏ cuộc, 2 chàng cựu sinh viên Trường Đại học Bách Khoa TPHCM vẫn mang trong mình “máu” khởi nghiệp. Kể về những ngày đầu manh nha ý tưởng, Phạm Tấn Phúc cho biết, vào năm 2013 trong một lần cần mua hàng của công ty cung cấp dịch vụ đám mây đa quốc gia hàng đầu ở Mỹ, nhưng vì lượng khách hàng quá lớn, công ty đó không đủ tổng đài viên để trao đổi trực tiếp nên khách hàng phải gửi yêu cầu qua hộp thư. Mất một buổi Phúc mới liên hệ được với bộ phận chăm sóc khách hàng. Trước sự phản ứng của khách hàng về việc xử lý chậm chạp, ý tưởng dịch vụ cung cấp tổng đài viên cho các công ty hình thành. Phúc đã mày mò xây dựng, kết nối lượng lớn nhân viên chuyên trực tổng đài có thể tư vấn cho khách hàng ở nhiều lĩnh vực. Thay vì phải đầu tư tổng đài viên chăm sóc khách hàng, các công ty có thể thuê nhân lực vào mùa cao điểm hoặc khi có nhu cầu. Gcalls ra đời dựa trên ý tưởng này. Đây là giải pháp tổng đài điện thoại trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thông qua ứng dụng, doanh nghiệp có thể tạo trung tâm chăm sóc khách hàng trong 5 phút mà không cần đầu tư hạ tầng, con người ở bất kỳ quốc gia nào trong khu vực. Dự án cũng cho phép doanh nghiệp tiếp cận lực lượng lao động nhàn rỗi địa phương để trở thành nhân viên chăm sóc khách hàng trong hệ thống lao động đã đăng ký trên ứng dụng. Phân tích rõ hơn về tính năng, anh Phạm Tấn Phúc cho rằng, khi có nhu cầu, khách hàng chỉ cần bấm vào biểu tượng Gcalls trên website, lập tức tín hiệu sẽ được truyền đến điện thoại của các tổng đài viên trang web đó. Người dùng không cần phải tìm kiếm số điện thoại liên lạc trên trang web, không cần bỏ tiền để thực hiện cuộc gọi như những tổng đài điện thoại truyền thống. Còn về phía người lao động, bằng việc cài đặt ứng dụng vào smartphone, khi nhàn rỗi, nếu biết trên 2 ngoại ngữ, hoặc có các kỹ năng bán hàng, tư vấn đều có thể kiếm được việc làm thời vụ từ các cửa hàng online.
Cũng vào thời điểm đó, khi đang khát nguồn nhân sự thực hiện cùng, người bạn cũ đã từng “chung ý tưởng” là Nguyễn Xuân Bằng về nước, cả hai bắt tay nhau khởi nghiệp xây dựng Gcalls một cách hoàn chỉnh. Tháng 9-2015, đôi bạn đã mang Gcalls sang Singapore thành lập Công ty Gcalls Vietnam Pte, Ltd. Công ty hoạt động chính trong 2 lĩnh vực: cung cấp tổng đài viên và hệ thống hạ tầng phân phối viễn thông cho các telcos dưới mô hình đại lý.
Đến nay, sau hơn 3 năm kiên trì bám trụ, lĩnh vực phần mềm đã cho doanh thu hơn 200 triệu đồng/tháng. “Dù ý tưởng ban đầu vẫn là phát triển con người, nhưng hiện tại công ty mới có hơn 10 tổng đài viên tư vấn chính trong lĩnh vực vật liệu xây dựng - sơn và dự kiến trong tương lai sẽ đưa Gcalls thành nền tảng chăm sóc khách hàng có thể ứng dụng trong tất cả lĩnh vực”, anh Phạm Tấn Phúc cho hay.
Khát vọng khai phá thị trường thế giới
Sau hơn 3 năm hoạt động, hiện tại Gcalls đã có 12 nhân sự chính và số lượng này luôn biến động theo thời gian với đối tượng khách hàng chính là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo Nguyễn Xuân Bằng, qua nhiều lần giới thiệu, thông tin dự án Gcalls đã đến được với Tập đoàn Viễn thông Telstra của Australia. Teltra yêu cầu Gcalls thành lập doanh nghiệp ở Singapore và đầu tư vào 40.000 SGD thông qua quỹ Muru - D. Cùng với việc rót vốn đầu tư, Telstra yêu cầu phải đưa công ty sang Singapore lập nghiệp với lý do nơi đây là khu vực tập trung các bằng sáng chế về công nghệ. Sau đầu tư của Telstra, nhiều công ty khác đã tin tưởng rót vốn cho Gcalls, công ty đã nhận được đánh giá cao từ các doanh nghiệp Australia, Mỹ. Đến nay tổng vốn thu hút được của công ty là 280.000 SGD. Và để vươn ra khu vực, Gcalls vẫn đang tìm kiếm những nhà đầu tư chiến lược mới.
Theo anh Nguyễn Xuân Bằng, đến nay sản phẩm của Gcalls đã được nhiều khách hàng trong nước, quốc tế tin tưởng và lựa chọn, trong đó 89% ở Việt Nam, phần còn lại là khách hàng Mỹ, Nhật, Hồng Công với tỷ lệ phản hồi của khách hàng khá cao (ở mức 8/10), khách hàng ở lại và tiếp tục sử dụng sản phẩm chiếm 96,1%. Gcalls được xem là hiện tượng trong giới khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ của Việt Nam. Cũng nhờ đó Gcalls đã “xướng tên” Phạm Tấn Phúc vào danh sách 8 doanh nhân đổi mới Việt Nam được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh doanh nhân toàn cầu 2016 tại Thung lũng Silicon; Nguyễn Xuân Bằng cùng 20 doanh nhân, nhà quản lý được chọn tham gia chương trình Entrepreneurship & Innovation tại Israel. Không chỉ vậy, Gcalls đã đoạt giải thưởng Ý tưởng sáng tạo nhất tại Startup Wheel và nhận được cam kết đầu tư 1 triệu USD từ Quỹ Đầu tư Vinacapital thông qua đại diện Thái Vân Linh trong chương trình Shark Tank Việt Nam. Đó là khoản cam kết đầu tư lớn nhất của Shark Tank Việt Nam, đặc biệt dành cho một startup trong lĩnh vực công nghệ thời điểm đó.
Hiện tại, Gcalls đã được cải tiến thành phiên bản thứ 3, cung cấp dịch vụ cho nhiều khách hàng ở các nhóm khác nhau, từ các shop online nhỏ cho tới các công ty công nghệ trực tuyến như: Edu2Review, bTaskee, Ezcloud; từ các trung tâm ngoại ngữ như KTDC cho tới các doanh nghiệp lớn như sơn KOVA, Massan… với doanh thu hơn 200.000 USD (khoảng gần 5 tỷ đồng). Hai bạn trẻ đặt mục tiêu, đến tháng 9-2019 (sau 4 năm thành lập doanh nghiệp) sẽ đạt doanh thu 10 tỷ đồng, đến năm 2020 sẽ đạt 1 triệu USD đầu tiên. Về thị trường, Gcalls hướng tới tính riêng ở Việt Nam là hơn trăm ngàn đơn vị; là toàn khu vực Đông Nam Á, rộng hơn là châu Á Thái Bình Dương.
Nói về hệ thống chăm sóc khách hàng của Gcalls hiện nay, Nguyễn Xuân Bằng cho biết, hiện nhóm ngành sản phẩm dịch vụ tài chính, nhóm tư vấn giáo dục đang dẫn đầu mức độ sử dụng. Bên cạnh đó, nhóm thương mại điện tử đang có tốc độ tăng rất nhanh. Vì vậy, công ty sẽ tập trung tại 3 phân khúc khách hàng trên. Với tầm nhìn “làm cho một doanh nghiệp địa phương có thể phục vụ khách hàng toàn cầu” và với số vốn đầu tư từ VinaCapital, Gcalls sẽ mạnh dạn hơn trong việc tung sản phẩm ra thị trường Đông Nam Á và tiến tới toàn cầu trong tương lai”, anh Nguyễn Xuân Bằng kỳ vọng.