Chăm sóc cây xanh phát triển an toàn

Diễn đàn “Đừng chặt hạ, mà hãy chăm chút cây xanh an toàn” tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc, tập trung về việc cần có các biện pháp chăm sóc và quản lý cây xanh hợp lý, hiệu quả. 
Chăm sóc cây xanh phát triển an toàn

Ngăn hiểm họa từ gốc

Chuyện cây xanh đô thị bật gốc, ngã đổ không phải là chuyện mới, nhất là vào mùa mưa bão. Tai nạn không loại trừ bất kỳ ai, rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, quan sát những gốc cây nằm trơ trọi sau khi ngã đổ còn nguyên bầu đất được bọc trong chậu nhựa hoặc bao ni lông, không có rễ cọc, rất ít rễ chùm bao quanh mới thấy bất an, vì cây đổ không chỉ do dông lốc, mưa bão mà còn vì sự cẩu thả khi trồng cây. 

Chăm sóc cây xanh phát triển an toàn ảnh 1 Cây bàng trên đường Bình Quới (quận Bình Thạnh) nghiêng ra lòng đường, rễ cây trồi lên mặt đất, rất dễ đổ ngã. Ảnh: HOÀNG THÁI HÙNG

Theo quy định, khi thực hiện các dự án bất động sản phải có mảng xanh. Việc trồng cây phải thực hiện các bước thủ tục khảo sát, lập thiết kế trình cơ quan thẩm quyền xét duyệt; sau đó mới triển khai thi công, có bộ phận giám sát và quản lý phía chủ đầu tư. Vậy mà thực tế vẫn có không ít trường hợp không kiểm tra phát hiện những rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn với cây xanh. Tôi đã tham gia nhiều dự án, công trình liên quan đến mảng xanh và trồng cây, không ít lần chứng kiến và bất bình khi thấy công nhân bê gốc cây xanh còn bọc trong chậu nhựa hay bao ni lông trồng xuống lỗ nhỏ trên vỉa hè đã được đào sẵn. Kiểm tra mới phát hiện độ sâu trồng cây chỉ nửa mét, thắc mắc thì được công nhân giải thích rằng không thể đào sâu hơn nữa vì phía dưới có tuyến cáp ngầm đã được đổ bê tông.

Thực tế nhiều nơi buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát khi trồng cây xanh. Có đơn vị thi công khoán trắng cho công nhân tới nhà vườn mua cây chở thẳng đến công trường để trồng; việc giám sát chỉ là hình thức. Do vậy, dễ thấy trên nhiều tuyến đường có những loại cây trồng cằn cỗi, lá thưa thớt, chậm phát triển. Thực hiện kế hoạch phát triển mảng xanh, không hiếm trường hợp chạy theo thành tích, chỉ chú trọng số lượng mà chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng cây xanh trồng xuống có đảm bảo theo đúng quy trình chuyên ngành, phát triển tốt hay không. Cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thi công ẩu khi trồng cây không tuân thủ quy định. 

ĐỖ NGÔ TRẦN - quận 9, TPHCM

Ứng dụng công nghệ vào quy hoạch, quản lý cây xanh

Thời gian qua, việc quản lý cây xanh được TPHCM thực hiện khá bài bản, từ việc chăm sóc, mé nhánh, tỉa cành cho đến đánh số thứ tự từng cây để quản lý. Trên những tuyến đường mới thi công và các khu đô thị mới đều có trồng cây xanh một cách đồng bộ để tạo cảnh quan và bóng mát. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập trong công tác quản lý cây xanh. Khi xảy ra sự cố cây xanh ngã đổ làm chết người, hư hại tài sản thì nguyên nhân thường được xác định là do cây mục ruỗng lâu năm, do mưa bão. Có một thực tế đáng lo ngại là hiện nay công tác kiểm tra, duy tu cây xanh chủ yếu bằng mắt thường chứ chưa có phương tiện, máy móc để kiểm tra bộ rễ cây có bị hư hay không. Nhân viên chỉ kiểm tra bên ngoài cây như tình trạng sinh trưởng, phát triển, độ nghiêng ngã của cây và những cành tán lá có thể gãy đổ để có phương án xử lý. Nếu cây nào có dấu hiệu xuống sức, sinh trưởng không bình thường thì mới đào khảo sát cụ thể.

Để hạn chế việc cây xanh ở đô thị bị đổ ngã, cần khắc phục nhiều nguyên nhân. Ngoài nguyên nhân cây lâu năm mục ruỗng hoặc do thời tiết, mưa bão còn có những nguyên nhân khác, như do việc thi công xây dựng vỉa hè thường hạ cốt hoặc nâng nền lên cao, khiến rễ cây lâu năm bị nông, dễ đổ. Mưa lớn, đất nền yếu, lại thêm việc chặt rễ cây khi thi công công trình ngầm đã làm giảm độ vững chắc của cây, nên khi có gió giật mạnh, cây rất dễ đổ. Hiện tượng cây nghiêng làm tán mất cân bằng cũng tạo áp lực dễ đổ. Cần chọn loại cây trồng và kỹ thuật trồng phù hợp.

Tiêu chuẩn tiên quyết của một số cây trồng trên đường phố, công sở, trường học là phải chống chịu được gió bão. Việc chọn một số cây trồng không đúng, cây có bộ rễ nông, rễ chùm thay vì rễ cọc cũng khiến cây dễ đổ khi gió bão. Các cơ quan chức năng liên quan cần thay đổi nhận thức, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào việc quy hoạch, quản lý cây xanh nhằm nâng cao hiệu quả và hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro do cây xanh ngã đổ. 

BÙI THANH TƯƠNG QUAN - quận 7, TPHCM

Tin cùng chuyên mục