Nhân loại bắt đầu thấm và thấu hiểu hơn các hội chứng tâm lý hay các căn bệnh tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu - “sát thủ giấu mặt” thời hiện đại. Trở về với thiên nhiên, chăm sóc cảm xúc từ những bước chân, cũng là một liệu pháp chữa lành tâm hồn tự nhiên.
Không ai có thể ngờ Michael Phelps, vận động viên bơi lội vĩ đại nhất lịch sử, đã rất nhiều lần định bỏ lại tất cả khi anh vật lộn với bệnh trầm cảm. Sau cái chết của diễn viễn hài nổi tiếng Robin Williams, các vấn đề liên quan đến bệnh tâm lý ngập tràn mặt báo thế giới. Có rất nhiều tỷ phú, ngôi sao Hollywood… đã mở blog công khai, đã lên diễn đàn TED Talk để trải lòng, chia sẻ những trải nghiệm mà họ vượt qua các căn bệnh tâm lý. Britney Spears kêu gọi “hãy vững tin vào bản thân”. Gwyneth Paltrow khẳng định “Yoga là cứu cánh”, còn Kerry Washington lại “chăm chỉ thực hành thiền và học cách yêu bản thân”…
Nhưng đó không phải chuyện riêng của giới showbiz. Việc chăm sóc và chữa lành tâm hồn luôn là nhu cầu bức thiết, nhất là ngày nay, con người luôn sống trong tình trạng căng thẳng và dễ bị tổn thương. Ở các nước có áp lực cuộc sống cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…, chưa bao giờ người trẻ có nhiều đường dây nóng, trang web tư vấn, chuyên gia tâm lý đến như vậy. Xã hội hiện đại càng đem đến cho con người nhiều phương tiện và công cụ để hàn gắn cảm xúc, chữa lành vết thương tinh thần, vậy mà họ cũng không cảm thấy an toàn, vẫn loay hoay, không lối thoát với trầm cảm, giận dữ và sự cô độc.
Thời gian gần đây, số lượng start-up ngành sức khỏe được đầu tư tăng gấp 3 lần trên toàn cầu, trong đó chăm sóc sức khỏe tâm thần ngày càng được quan tâm. Đã xuất hiện nhiều công nghệ chăm sóc sức khỏe tâm thần trực tuyến từ liệu pháp chữa trị từ xa qua video. Với web Learn to Live, người bệnh có thể tự chữa trị, theo dõi quá trình chữa trị và thông báo cho người thân cùng hỗ trợ. Stop, Breath & Think cung cấp những bài tập thiền giúp người dùng “check-in” cảm xúc bản thân... Hay như web và app NeuroFlow tương tác với bệnh nhân, giúp họ chăm sóc bản thân tích cực hơn.
Tại Việt Nam, “Du lịch chữa lành” đang trở thành một trào lưu tiên phong. Những chuyến nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe nội tâm được thiết kế bằng các liệu pháp chữa lành, như tập thiền, trò chuyện chia sẻ, trải lòng (nói và viết) hoặc tập yoga, đi rừng… đều được chứng minh có thể giúp con người bình tâm và điều tiết cảm xúc tốt hơn.
Việc buộc người đã mất “cảm hứng” trong đời sống phải thay đổi nếp sống, thái độ sống rất khó, ngay cả đối với người bình thường. Người đang tổn thương càng cần phải có một sự giúp đỡ, cần ai đó truyền cảm hứng, dìu dắt một đoạn đường thì mới có thể vượt thoát được. Tôi đã từng tham gia vào những nhóm kín của người trầm cảm. Thực tế cho thấy, không ai sau một đêm ngủ dậy liền bị trầm cảm hay rối loạn lo âu mà tất cả là do quá trình “tích trữ”. Chính vì vậy, quá trình chữa lành bệnh cũng không thể vội vã.
Một chuyên gia tâm lý nổi tiếng trong lĩnh vực chữa trầm cảm theo các liệu pháp tự nhiên chia sẻ: “Để người bệnh biết cách chăm sóc cảm xúc, thực tập thiền cần phải kết hợp song hành với những bài thực tập khác. Cần kết hợp với một số bộ môn như yoga, trở về kết nối với thiên nhiên hoặc là tương tác, chia sẻ với người xung quanh. Tùy vào tình trạng của mỗi người, mỗi lúc mà chọn bài tập cho phù hợp.
Tại Việt Nam, hoàn hảo nhất là cần một trung tâm trị liệu, mà ở đó có bác sĩ khám chữa bệnh, có tất cả chương trình thực tập thiền, hướng dẫn yoga, luyện tập về thể lực và cả những người có khả năng lắng nghe và chia sẻ nỗi khổ niềm đau của người khác, bất cứ lúc nào”.