Chậm quyết toán ngân sách, Bộ Y tế bị đề nghị kiểm điểm trách nhiệm

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế tổ chức kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến việc chậm lập, gửi báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021, chậm hoàn thành việc thông báo xét duyệt/thẩm định đối với các đơn vị trực thuộc.
Quang cảnh phiên họp UBTVQH
Quang cảnh phiên họp UBTVQH

Tiếp tục phiên họp thứ 23, sáng 12-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021.

Báo cáo về vấn đề này, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một số hạn chế cần phải chấn chỉnh, như số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn NSNN tính đến cuối năm 2021 còn lớn (Hà Nam 5.258,46 tỷ đồng; Ninh Bình 4.344,68 tỷ đồng; Hà Tĩnh 565 tỷ đồng; Hà Giang 523,57 tỷ đồng; Nghệ An 595,94 tỷ đồng; Bình Định 689,8 tỷ đồng; Thanh Hóa 857,2 tỷ đồng; Quảng Ngãi 336,86 tỷ đồng).

Đáng chú ý, trong năm 2021 còn nhiều địa phương để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản (Hà Tĩnh 100,3 tỷ đồng; Bình Định 271,5 tỷ đồng; Quảng Ngãi 244,4 tỷ đồng; Hải Phòng 14,2 tỷ đồng; Quảng Ninh 20,7 tỷ đồng; Sơn La 51,9 tỷ đồng; Quảng Bình 63,5 tỷ đồng; Bắc Giang 35,1 tỷ đồng; Hải Dương 25,3 tỷ đồng, Lào Cai 15,1 tỷ đồng; Quảng Nam 244,8 tỷ đồng…).

Cơ quan kiểm toán cũng lưu ý, số liệu tổng hợp nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết năm 2021 của Bộ KH-ĐT trên Hệ thống thông tin giám sát về đầu tư công 4.465 tỷ đồng còn chênh lệch so với số liệu tổng hợp của Kiểm toán Nhà nước tại 5 bộ, cơ quan trung ương và 43 địa phương (23.608,9 tỷ đồng).

Về thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo nêu, một số đơn vị sự nghiệp công lập chưa trích lập nguồn cải cách tiền lương, không lập dự toán chi thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, sử dụng nguồn cải cách tiền lương chi không đúng quy định.

Về nợ công, năm 2021 có 3 khoản vay ngân quỹ Nhà nước của ngân sách Trung ương đến hạn trả nợ nhưng phải gia hạn nợ 198.864 tỷ đồng; việc lập kế hoạch vay và báo cáo tình hình vay nợ của các địa phương chưa kịp thời theo quy định. Một số chỉ tiêu nợ công phản ánh trên các báo cáo tại Kho bạc Nhà nước và Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) còn chưa thống nhất.

Việc lập, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 của Bộ Tài chính cũng được Kiểm toán Nhà nước nhận xét là chậm so với quy định tại khoản 4, điều 70, Luật NSNN. Tuy nhiên, một số đơn vị chậm gửi báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách về Bộ Tài chính theo quy định tại khoản 1, điều 70, Luật NSNN.

Cá biệt là Bộ Y tế chậm gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 đến 3 tháng (đến ngày 6-4-2023 Bộ này mới hoàn thành thông báo xét duyệt/thẩm định đối với các đơn vị trực thuộc), làm ảnh hưởng đến tiến độ thẩm định, tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN năm.

Tại báo cáo, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN đối với niên độ ngân sách 2021 là 34.595 tỷ đồng. Gồm các khoản tăng thu 4.641,3 tỷ đồng (thuế, phí, lệ phí 2.444,9 tỷ đồng; thu khác 2.196,4 tỷ đồng).

Giảm chi NSNN 29.953,7 tỷ đồng (chi thường xuyên 24.066,9 tỷ đồng; chi đầu tư 5.886,8 tỷ đồng); kiến nghị khác 37.010 tỷ đồng (chưa đủ thủ tục, chưa được quản lý, theo dõi, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các khoản ngoài ngân sách...).

Cơ quan kiểm toán cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế tổ chức kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến việc chậm lập, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021, chậm hoàn thành việc thông báo xét duyệt/thẩm định đối với các đơn vị trực thuộc.

Các bộ, cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh trong việc đề xuất bổ sung dự toán chi thường xuyên nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài còn sai sót, chưa đảm bảo tiêu chí “đủ điều kiện, hồ sơ chứng từ đưa vào quyết toán năm 2021” dẫn đến sau khi được Quốc hội thông qua dự toán bổ sung để quyết toán nhưng một số đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ.

Tin cùng chuyên mục