Cụ thể, Việt Nam chỉ xếp thứ 70 về nguồn nhân lực, còn các chỉ số về lao động có chuyên môn cao, chất lượng đại học lần lượt xếp thứ 81 và 75; xếp hạng 90 về công nghệ và đổi mới sáng tạo, hạng 92 về công nghệ nền và hạng 77 về năng lực sáng tạo. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau Malaysia (thứ 23 về công nghệ và đổi mới sáng tạo và 21 về nguồn nhân lực), Thái Lan (tương ứng vị trí 41 và 53) và Philippines (59 và 66).
Đây là những con số khá bất ngờ, khi mà thời gian qua, Việt Nam đã truyền thông rất nhiều về tiềm năng và cơ hội của CMCN 4.0. Thậm chí nhiều lãnh đạo, chuyên gia khẳng định: khác với 3 cuộc CMCN trước, Việt Nam hội đủ điều kiện để bắt nhịp và thành công với CMCN 4.0. Vì sao lại như vậy? Ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, WEF xây dựng báo cáo dựa trên 2 nhóm chỉ số chính.
Thứ nhất là nhóm về cấu trúc của sản xuất (bao gồm 3 chỉ tiêu). Nhóm thứ hai bao gồm các yếu tố dẫn dắt sản xuất (nhóm này rất lớn gồm 59 chỉ tiêu). Trong nhóm thứ hai thì công nghệ đổi mới, sáng tạo chiếm 17 chỉ tiêu. Mỗi chỉ số sẽ được xếp hạng riêng nhưng cuối cùng điều quan trọng nhất là phải xem chỉ số tổng hòa. Theo WEF, 100 quốc gia được chia thành 4 nhóm. Nhóm đầu tiên là các nước dẫn dắt; nhóm thứ hai là nhóm có tiềm năng cao; nhóm thứ ba là nhóm “di sản” - nhóm có hiện trạng rất tốt nhưng vì không có sự chuẩn bị nên có nguy cơ tụt hậu; nhóm cuối cùng gọi là nhóm sơ khai và Việt Nam nằm trong nhóm này. “Xét về chỉ số tổng hòa, Việt Nam có cấu trúc sản xuất là 48/100, yếu tố dẫn dắt sản xuất là 53/100. Như vậy nếu nhìn vào chỉ số tổng hòa thì Việt Nam đang nằm ở nhóm tiệm cận với các quốc gia có tiềm năng trong giai đoạn tới. Mặc dù Việt Nam có một số chỉ tiêu đánh giá thấp nhưng bên cạnh đó lại có nhiều chỉ tiêu được đánh giá là tương đối cao” - ông Dương phân tích.
Đến thời điểm này, hầu hết những doanh nghiệp lớn, có tiềm năng về công nghệ của Việt Nam, như: Viettel, VNPT, FPT, CMC, VNG… đều tuyên bố đã sẵn sàng với CMCN 4.0. Trong chiến lược phát triển cho giai đoạn 2017 - 2025 và tầm nhìn 2030, VNPT đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu Việt Nam và trung tâm giao dịch số tại thị trường Đông Nam Á, châu Á. Phó Tổng Giám đốc Viettel Hoàng Sơn thì cho hay, thời gian qua Viettel đã tập trung đầu tư chiều sâu cho lĩnh vực nghiên cứu phát triển và đến nay Viettel sẵn sàng đón đầu cuộc CMCN 4.0. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, cho biết, FPT đang chuyển đổi số trong kinh doanh, quản trị để nâng cao hiệu quả. FPT đã thiết lập được quan hệ đối tác dẫn đầu CMCN 4.0 của thế giới như IBM, Microsoft, AWS, Siemens và cùng tham gia với các tập đoàn này để phát triển các nền tảng công nghệ mới.
Trong khi đó, ở khu vực các bộ, ngành thì hầu hết mới chỉ đặt vấn đề ở mức “hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu tác động...” của CMCN 4.0. Nói cách khác, hầu hết chưa có một kịch bản, chiến lược tiếp cận và phát triển phù hợp với CMCN 4.0. Theo ông Trương Gia Bình, CMCN 4.0 vẫn còn rất mới nên nhiều người lúng túng trong việc xác định sẽ làm gì, làm với ai và làm như thế nào. Do đó, cần phải sớm xây dựng chiến lược quốc gia về CMCN 4.0. Điều này không chỉ liên quan đến các doanh nghiệp mà đây là cuộc cạnh tranh của quốc gia này với quốc gia khác, nếu bị động sẽ thụt lùi.
Sau Chỉ thị 16 (ngày 4-5-2017) về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì xây dựng dự thảo nghị quyết về tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0 và trình Chính phủ ban hành trong 2018. Một số chuyên gia cho rằng, với tình hình mới hiện nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng cần nghiên cứu ban hành một nghị quyết chuyên đề về CMCN 4.0 để tạo phương hướng cơ bản, chiến lược phát triển Việt Nam nhằm bắt kịp, cụ thể hóa và có thể thành công trong CMCN 4.0. Tất cả cần sự đồng bộ và quyết liệt, sớm thực hiện bởi nếu chậm, con tàu CMCN 4.0 của nhân loại sẽ không chờ Việt Nam.