Chăm lo những mảnh đời côi cút vì dịch bệnh

Dịch Covid-19 tàn khốc đã khiến hơn 1.500 trẻ em ở TPHCM rơi vào cảnh mồ côi, khi chẳng may mất cha, mất mẹ, có em mất cả cha lẫn mẹ rất thương tâm. Lúc này, các ngành, các cấp, các địa phương đang cùng các nhà hảo tâm và cộng đồng dang rộng vòng tay trao hơi ấm, chở che đùm bọc các em trên bước đường đời thiếu cha, vắng mẹ.
Từ ngày mẹ mất, Nguyễn Phương Quỳnh Như (quận Tân Bình) thay mẹ lo cho em mới hơn 2 tháng tuổi. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Từ ngày mẹ mất, Nguyễn Phương Quỳnh Như (quận Tân Bình) thay mẹ lo cho em mới hơn 2 tháng tuổi. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Một tuần mất cả cha lẫn mẹ

Một buổi chiều mưa giữa tháng 9, trong con hẻm 184 Tôn Đản (phường 8, quận 4, TPHCM), nhà ai cũng cửa đóng then cài. Trong căn nhà nhỏ, chỉ có hai anh em Bằng (14 tuổi) và Chương (13 tuổi) ngồi ngơ ngác. Cha mẹ em vừa mất vì Covid-19, hai em nhỏ hơn được gửi qua nhà người thân nhờ chăm sóc.

Người hàng xóm mắt rưng rưng, kể: Ba mẹ của Bằng, Chương làm nghề buôn bán quần áo. Dịch bệnh xảy ra, đôi vợ chồng trẻ xông xáo đi trao quà cho bà con khó khăn. Giữa tháng 7, người cha mắc Covid-19. Ngày 23-7, anh bị khó thở, gia đình vội đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng không qua khỏi. Một tuần sau, mẹ các em cũng qua đời, bỏ lại 4 đứa trẻ mồ côi giữa đời. Bằng và Chương cũng mắc Covid-19, nhưng may mắn vượt qua được.

Đến giờ, Bằng và Chương vẫn chưa tin rằng cha mẹ đã mất. Căn nhà từ chỗ đầm ấm quây quần 6 người với nhau, giờ đây quạnh quẽ đìu hiu. Hai em còn nhỏ vẫn chưa biết cha mẹ đã mất, gọi điện cứ đòi gặp mẹ mãi. Những ngày không còn mẹ, Bằng và Chương tự chăm lo, nhắc nhở nhau học online và thay phiên dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, rửa chén. Biết hoàn cảnh của các em, cô giáo chủ nhiệm thường xuyên thăm hỏi, động viên. Nhà trường cũng gửi tặng các em sách giáo khoa, tập vở. Cô bác ở địa phương đến nhà thăm, tặng quà, bánh sữa động viên.

Chúng ta vô cùng thương xót khi đến thời điểm này, chỉ riêng TPHCM có tới trên 1.500 trẻ mồ côi vì đại dịch Covid-19. Nhà nước, đặc biệt là chính quyền TPHCM cần quan tâm đến các cháu bằng những chương trình, hành động giúp đỡ cụ thể, thiết thực để giúp các cháu vượt qua cú sốc về tinh thần, có chỗ dựa về vật chất, vượt lên khó khăn và trưởng thành
(Trích thư Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc 
gửi cử tri TPHCM, ngày 16-9)

Trong lúc đó, tại căn nhà ở hẻm 687 Lạc Long Quân (phường 10, quận Tân Bình), cô học sinh lớp 9 Nguyễn Phương Quỳnh Như ngồi ôm em trai hơn 2 tháng tuổi đang khóc ngằn ngặt vì thiếu sữa và thiếu hơi mẹ. Dỗ dành em mà nước mắt cô học trò cứ trào ra. Cạnh đó là bàn thờ mới lập, với di ảnh người mẹ đang tươi cười nhìn các con. Chỉ hơn hai tháng trước, cả nhà vui mừng đón chào thành viên mới. Nhưng hạnh phúc chưa được bao lâu thì tai ương liên tiếp ập đến với gia đình, khi cả mẹ và bà nội Như qua đời vì Covid-19. Như thay mẹ chăm em, nhưng đứa em sơ sinh dường như cảm nhận không còn mẹ bên mình nên cứ khóc hoài không dứt. Các nhà hảo tâm gửi tặng sữa cho em, nhưng nguồn sữa đến nay cũng gần cạn.

Cảnh nhà Như đã éo le nhọc nhằn vì dịch Covid-19, từ khi mẹ ra đi lại càng buồn hơn. Ba Như làm phụ hồ, dịch bệnh nên thất nghiệp nhiều tháng nay. Anh trai Như phải nghỉ học do không còn tiền đóng học phí lớp học nghề. Như vừa học vừa trông em, những lúc học online phải gửi em sang nhà người cô ở gần đấy nhờ trông giúp.

Chăm lo toàn diện đến lúc trưởng thành

Để phần nào giảm bớt thiệt thòi cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH đã ban hành Quyết định 1013 về việc hỗ trợ cho trẻ em là con của sản phụ mắc Covid-19 được sinh ra trong khoảng thời gian từ ngày 27-4 đến ngày 31-12 với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/trẻ em. Đồng thời, hỗ trợ 2 triệu đồng/trẻ em mồ côi cha mẹ; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do Covid-19.

Chăm lo những mảnh đời côi cút vì dịch bệnh ảnh 1 Đại diện lãnh đạo huyện Bình Chánh thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các trẻ mồ côi vì Covid-19

Thống kê của Phòng LĐTB-XH quận 4 cho thấy hiện quận có 233 trẻ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt cần hỗ trợ khẩn cấp do dịch Covid-19. Trong đó, có 52 em mất cha, mất mẹ hoặc mất cả cha lẫn mẹ. Ngoài những chính sách các em được hưởng, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Quận đoàn 4 vận động các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm chăm lo học bổng, bảo trợ các em đến hết bậc THPT; còn trước mắt là hỗ trợ, chăm lo lương thực thực phẩm, quà bánh, sữa cho các em trong những ngày giãn cách.

Theo Phó Bí thư Quận đoàn Tân Bình Nguyễn Thuận An, hiện quận có 15 trẻ có cha, mẹ, người giám hộ mất do Covid-19. Bên cạnh việc thăm hỏi, tặng quà, với sự hỗ trợ của Hội đồng Đội quận, có 3 em đã được trao bảo trợ học tập đến hết bậc THPT, số còn lại đang chờ xem xét. Ngoài ra, 2 em được nhận học bổng với kinh phí 5 triệu đồng/suất. Riêng trường hợp em Nguyễn Phương Quỳnh Như, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận đã trao một suất học bổng trị giá 1,5 triệu đồng cho Như và sữa, tã cho em trai. “Ngoài chăm lo về vật chất để các em không phải bỏ học vì khó khăn, chúng tôi cũng thường xuyên động viên để các em vững tinh thần tiếp tục học tập”, anh Nguyễn Thuận An cho biết.

Những tháng qua, Hội đồng Đội TPHCM cùng với Hội đồng Đội các quận, huyện, TP Thủ Đức tích cực kết nối các trường hợp thiếu nhi mồ côi với các nhà hảo tâm để kịp thời trao học bổng bảo trợ học tập đến hết bậc THPT. Từ ngày 10-8 đến nay đã có hơn 150 nhà hảo tâm, cá nhân, tập thể đăng ký hơn 400 suất học bổng với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng. Bên cạnh các suất học bổng còn có các bộ sách giáo khoa và thiết bị điện tử phục vụ việc học tập trực tuyến.

Tại huyện Bình Chánh, Bí thư Huyện ủy Trần Văn Nam cho biết, huyện đang triển khai mô hình “Trao gửi yêu thương”, chăm lo cho các em rơi vào cảnh mồ côi vì Covid-19. Hiện trên địa bàn có 106 em ở hoàn cảnh này. Thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã gửi thư ngỏ kêu gọi các tổ chức, cá nhân. Sau khi vận động được nguồn lực sẽ giao Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện quản lý quỹ và chăm lo các em lâu dài. Mục tiêu của huyện là vận động các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, chăm lo các em cho đến khi tròn 18 tuổi, hoàn thành chương trình học phổ thông, nếu có khả năng thì chăm lo đến khi hoàn thành bậc đại học hoặc giáo dục nghề nghiệp. Một phương thức khác để các tổ chức, cá nhân có thể hỗ trợ là mở sổ tiết kiệm cho từng em, có ủy thác sử dụng theo từng năm; hoặc đóng góp trực tiếp cho Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện để quản lý và chi hỗ trợ theo từng năm. Đến nay đã có 12 em được các nhà hảo tâm đăng ký chăm sóc, hỗ trợ. “Mục tiêu của chúng tôi là không để trẻ em mồ côi do dịch bệnh bị thiếu ăn, thiếu mặc, không người chăm sóc, không được học hành”, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh khẳng định.

Bên cạnh sự chăm lo của chính quyền, nhiều tổ chức, nhà hảo tâm cũng  dành sự quan tâm đặc biệt đối với các em. Điển hình, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT vừa quyết định FPT sẽ mở trường nuôi dạy 1.000 trẻ nhỏ mất cha mẹ bởi dịch Covid-19. FPT cam kết nhận 1.000 em mất cha mẹ và đào tạo liên tục trong 20 năm tới, chi phí mỗi năm khoảng 80 tỷ đồng…

Trung tướng NGUYỄN VĂN NAM, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM: Bộ đội lên kế hoạch đỡ đầu một số cháu


Bộ Tư lệnh TPHCM đang phát động trong lực lượng thực hiện nhận đỡ đầu một số cháu mồ côi vì Covid-19. Dự kiến, Bộ Tư lệnh TPHCM, các Ban Chỉ huy quân sự quận, huyện, TP Thủ Đức mỗi đơn vị sẽ nhận đỡ đầu một số cháu đến năm 18 tuổi. Bước đầu, Ban Chỉ huy quân sự huyện Bình Chánh đã nhận đỡ đầu 5 cháu bé mồ côi tại huyện.


Ông LÊ MINH TẤN, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM: Trẻ em mồ côi vì Covid-19 được trợ cấp hàng tháng


Theo Nghị định 20/2021, trẻ mồ côi được xét trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng. Cụ thể, trẻ dưới 4 tuổi được trợ cấp 900.000 đồng/tháng, trẻ từ đủ 4 tuổi là 540.000 đồng/tháng. Thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi. Nếu trẻ đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.


Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM CAO THANH BÌNH: Cần hỗ trợ về kinh tế, tâm lý và pháp lý cho các em


Cùng với nhóm trẻ có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ vật chất, còn có nhóm trẻ cần được quan tâm về mặt tinh thần, trợ giúp pháp lý… Một số em khi cha mẹ mất đi và không còn người thân rất cần được tư vấn pháp lý trong việc thừa kế. Nhiều em rơi vào trạng thái hoảng loạn, cần được chăm sóc, hỗ trợ kịp thời về tâm lý, giúp các em sớm cân bằng. Không ít em khác có hoàn cảnh khó khăn và có những em thiếu trang thiết bị học tập, rất cần được chăm lo từ ngân sách, từ mạnh thường quân. Chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng các sở, ban ngành về việc chăm lo cho các trẻ mồ côi.

Tin cùng chuyên mục