Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Ngoài các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, nhiều địa phương còn quan tâm đến bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn TPHCM. Thông qua các hoạt động đã tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa

Lần đầu tiên, quận 3 (TPHCM) tổ chức lễ hội đua ghe ngo rất đặc biệt giữa trung tâm TPHCM, thu hút nhiều sự chú ý. Bà Hứa Thị Mỹ Hương, Phó Chánh Văn phòng UBND quận 3, chia sẻ, tổ chức lễ hội đua ghe ngo trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là việc hoàn toàn mới. Trong quá trình tổ chức, ban tổ chức gặp không ít khó khăn, lúng túng do địa điểm và không gian tổ chức trên tuyến kênh liên quận. Trong đó, việc khó khăn đầu tiên là vận chuyển các ghe ngo về TPHCM.

s3a-1419.jpg
Ban Dân tộc TPHCM tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân tích cực tham gia công tác chăm lo, thực hiện chính sách dân tộc năm 2023

Lúc đó, quận 3 đề ra nhiều phương án, trong đó phương án đưa ghe ngo về đến cảng Sài Gòn rồi lai dắt theo đường thủy về điểm đua. Tuy nhiên phương án này mất nhiều thời gian. Sau đó, quận thống nhất với Ban trị sự chùa Chantarangsay chọn phương án đưa ghe ngo về TPHCM bằng đường bộ. Vậy là những chiếc ghe ngo được chở trên xe tải loại lớn từ tỉnh Kiên Giang đến bến xe An Sương và tiếp tục đưa về hạ thủy tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nhờ vào sự linh động và thay đổi phương án liên tục cho phù hợp với tình hình thực tế, quận 3 đã tổ chức thành công lễ hội đua ghe ngo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer.

Tương tự, hoạt động biễu diễn Lân Sư Rồng là một hoạt động văn hóa thể thao truyền thống của cộng đồng dân tộc Hoa. Hoạt động này đã gắn kết trong các hoạt động của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với những màn trình diễn nghệ thuật thu hút được đông đảo người dân.

Bà Nguyễn Thị Kim Soa, Phó Chánh Văn phòng HĐND-UBND TP Thủ Đức, cho biết, vừa qua, UBND TP Thủ Đức đã tổ chức “Giải Lân Sư Rồng TP Thủ Đức mở rộng lần thứ 1 năm 2023” trong 2 ngày tại khu công viên ven sông Sài Gòn. Mặc dù đây là lần đầu tiên tổ chức nhưng giải Lân Sư Rồng TP Thủ Đức mở rộng đã thu hút sự quan tâm và tham dự của nhiều đoàn Lân Sư Rồng có truyền thống và nhiều thành tích cao đến từ các tỉnh thành trong cả nước. Qua đó đã tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để các đoàn Lân Sư Rồng giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn để ngày càng phát triển.

Huy động các nguồn lực chăm lo

Để có những cách làm mới, linh hoạt, sáng tạo trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, trước hết nhờ vào sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về lĩnh vực này của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Năm qua, TP Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện thường xuyên các chính sách giải quyết việc làm, dạy nghề, trợ vốn, chính sách giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa phương đã hỗ trợ để cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 10.840 trường hợp, sửa chữa, xây dựng 72 căn nhà, nhà tình thương. Đồng thời hỗ trợ vay vốn cho 615 trường hợp với số tiền gần 28,4 tỷ đồng; tổ chức thăm, tặng 20.921 phần quà đến đồng bào dân tộc thiểu số với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng.

Ông Tăng Phước Lộc, Phó Trưởng Ban Dân tộc TPHCM, cho biết, đơn vị cùng với các địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc trên các lĩnh vực an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, quan tâm làm tốt công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố. Trong đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên có các chính sách giải quyết việc làm, dạy nghề, trợ vốn, chính sách giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố.

Nhấn mạnh đến TPHCM là địa phương có đông đồng bào dân tộc sinh sống, ông Tào Việt Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Dân tộc địa phương, Ủy ban Dân tộc, cho rằng, TPHCM cần tập trung làm tốt công tác thống kê lại số liệu về 53 dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố để phục vụ cho việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc được triển khai phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của từng địa phương, tạo được hiệu ứng lan tỏa trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. TPHCM cũng cần chú ý đến việc nắm tình hình dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số.

Trao đổi thêm về công tác dân tộc trong năm mới, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu nhấn mạnh, chương trình công tác dân tộc năm 2024 gắn liền với chủ đề năm 2024 của TPHCM. TPHCM tập trung thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc trên các lĩnh vực an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. TPHCM tiếp tục quan tâm công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố. Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thành phố tập trung chỉ đạo các hoạt động chăm lo Tết Giáp Thìn nói riêng và tết cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu số trong năm 2024 nói chung thật chu đáo, ấm cúng.

Tin cùng chuyên mục