Chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần người có công

“Phong trào Đền ơn đáp nghĩa của TPHCM những năm qua phát triển mạnh mẽ với nhiều hoạt động thiết thực, lan tỏa đều khắp đến từng con hẻm, cơ quan, đơn vị”, ông Lê Văn Thinh (ảnh), Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM nhấn mạnh khi trao đổi với PV Báo SGGP về công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo gia đình chính sách, người có công trên địa bàn TPHCM.

Ong Le Van Thinh.jpg
Ông Lê Vắn Thinh

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, TPHCM có những chính sách gì đặc biệt chăm lo gia đình chính sách, người có công?

Ông LÊ VĂN THINH: Hiện nay, TPHCM quản lý 278.892 hồ sơ người có công, trong đó có 35.275 người hưởng trợ cấp hàng tháng, với tổng số tiền gần 75 tỷ đồng/tháng. Hàng năm, TPHCM tổ chức các hoạt động chăm lo gia đình chính sách, người có công vào dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7.

Ngoài ra, Sở LĐTB-XH đang tham mưu UBND TPHCM trình HĐND TPHCM quy định nội dung, mức quà tặng cho các đối tượng trên địa bàn thành phố nhân dịp lễ, Tết Nguyên đán. Trong đó có đề xuất nội dung tặng quà cho người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến trước ngày Tổng khởi nghĩa 19-8-1945 nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 hàng năm, với mức quà 5 triệu đồng/người.

Hướng tới chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), UBND TPHCM đã xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể việc hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng..

Qua thống kê, tổng nhu cầu cần hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng là 140 căn nhà (7 căn nhà xây mới, 133 căn nhà sửa chữa). Tính đến ngày 1-8, đã hoàn thành 227/140 căn nhà (xây mới 7 căn, sửa chữa 220 căn), với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 162,14%.

V3a.jpg
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thăm người có công dịp kỷ niệm ngày 27-7. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đến nay, đời sống người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố đã được cải thiện như thế nào, thưa ông?

Trong những năm qua, cùng với việc thực hiện tốt các chế độ theo quy định, chính sách ưu đãi đối với người có công luôn được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận đoàn thể, cộng đồng xã hội; đời sống vật chất, tinh thần đối với thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng được cải thiện, góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội trên địa bàn TPHCM. Tuy nhiên, TPHCM là thành phố lớn, mức sống sinh hoạt cao, mức trợ cấp theo quy định không theo kịp với thực tế giá cả thị trường hiện nay.

Vì vậy, để chăm lo, hỗ trợ tốt hơn cho người có công với cách mạng và thân nhân, từ năm 2016, HĐND TPHCM đã ban hành Nghị quyết số 126 quy định về chế độ hỗ trợ đối với người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn thành phố. Qua 8 năm thực hiện, TPHCM đã thực hiện hỗ trợ 5.004 lượt người, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 116 tỷ đồng.

Có thể khẳng định, chính sách này mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, khơi dậy truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn trong các tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần ổn định về cuộc sống cho người có công với cách mạng, bảo đảm người có công và gia đình người có công phải có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Hiện nay, trên địa bàn TPHCM không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên là đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Bên cạnh kinh phí từ ngân sách, sự chung tay góp sức của xã hội đã được thành phố triển khai ra sao, thưa ông?

Tôi có thể khẳng định phong trào Đền ơn đáp nghĩa của TPHCM những năm qua phát triển rất mạnh mẽ với nhiều hoạt động thiết thực, đã lan tỏa đều khắp đến từng khu phố, tổ dân phố, phường, xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học... Qua đó đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cộng đồng cùng chung tay chăm lo công tác chính sách.

Từ các nguồn quỹ, TPHCM luôn quan tâm, tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành khác. TPHCM đã vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa với hơn 188,7 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống cho các gia đình chính sách. Cùng với đó, huy động các tổ chức, cá nhân chăm lo 624 người có công, gồm 515 thương binh, bệnh binh đặc biệt có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên và 109 Mẹ Việt Nam Anh hùng…

Năm 2024, thành phố bổ sung 4 hội đặc thù và 2 đơn vị trực thuộc Sở LĐTB-XH được đoàn lãnh đạo TPHCM thăm, tặng quà dịp lễ, tết. Để tri ân người có công tiêu biểu, TPHCM đã tổ chức chương trình về nguồn “Thăm Côn Đảo Anh hùng” và “Thăm chiến trường xưa” tại tỉnh Quảng Trị - Quảng Bình - Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, Sở LĐTB-XH phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện phục dựng 707 hình ảnh liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn TPHCM.

Tin cùng chuyên mục