Các đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đến dự hội nghị sơ kết tại quận 5.
Theo báo cáo từ hội nghị, từ ngày 27-5, trên địa bàn quận 5 xuất hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên. Tính đến ngày 13-11, trên toàn địa bàn quận có 13.200 ca F0, trong đó có 684 trường hợp tử vong. Từ ngày 15-8, quận 5 đã chủ động trong kiểm soát tình hình dịch bệnh. Số ca bệnh trong giai đoạn đỉnh dịch tăng cao nhưng việc chăm sóc F0, cấp phát thuốc điều trị và công tác cấp cứu chuyển bệnh được tổ chức có hệ thống nên tỷ lệ tử vong chuyển biến rõ rệt.
Trong thời gian tập trung kiểm soát dịch bệnh, quận 5 đã huy động nhiều nguồn lực, hỗ trợ về y tế, an sinh xã hội, có nhiều mô hình hay, các giải pháp kịp thời đã góp phần đạt mục tiêu đề ra của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 là chăm lo về y tế, hạn chế tử vong; Quận đã triển khai kịp thời các chỉ đạo của TP, áp dụng thực tế tình hình của địa phương.
Quận 5 cũng là một trong những địa phương kiểm soát dịch bệnh, chăm lo tốt an sinh xã hội trong suốt thời gian chống dịch Covid-19. Cụ thể, quận đã nhanh chóng phối hợp với siêu thị, các điểm bán lương thực, thực phẩm; thiết lập ngay các kênh đặt hàng trực tuyến thông qua hotline, zalo, website của từng cửa hàng, hạn chế tối đa người dân trực tiếp mua hàng.
Quận cũng có các chương trình, đội hình cung cấp lương thực, thực phẩm đến người dân như: Đội tình nguyện vận chuyển hàng hóa đến các điểm phong tỏa, cách ly; đội hình “đi chợ giúp dân” với phí vận chuyển 0 đồng; chương trình Chợ nghĩa tình...
Đặc biệt, quận 5 là một trong những quận đầu tiên có mô hình chợ lưu động, kênh bán hàng thiết yếu không lợi nhuận…. phục vụ người dân.
Về y tế, quận tập trung tầm soát, xét nghiệm cho người dân; đẩy mạnh triển khai công tác tiêm vaccine phòng Covid-19; thành lập các khu cách ly tập trung F0, F1 và bệnh viện điều trị Covid-19 quận 5.
Việc chi hỗ trợ đợt 1, 2 được triển khai khẩn trương với gần 69 tỷ đồng; đợt 3 quận đã chi đạt tỷ lệ 100% với gần 80 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê đánh giá, quận 5 đã có nhiều phong trào hay, xuất phát từ trái tim, từ nghĩa đồng bào để vượt qua thời điểm căng thẳng bởi dịch bệnh.
Đồng chí yêu cầu trong thời gian thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh, công tác chăm sóc y tế tại quận 5 phải là nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt, làm nền tảng cho các giải pháp, kế hoạch khác. Các nội dung trọng tâm là thực hiện xét nghiệm thần tốc để kịp thời phát hiện, phân loại, chăm sóc, điều trị phù hợp các loại F0. Cùng với đó, tăng cường nhân lực y tế, cơ sở vật chất, phương tiện, oxy, thuốc điều trị cho trạm y tế phường; duy trì các trạm y tế lưu động để nâng cao chất lượng, đáp ứng hỗ trợ và điều trị bệnh nhân Covid-19 tại chỗ; huy động lực lượng y tế tư nhân, các tình nguyện viên tham gia tích cực vào quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Về triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi kinh tế, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê lưu ý quận 5 bám sát và thực hiện theo chỉ đạo mới của thành phố một cách thận trọng trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn. Song song đó là triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh; bảo đảm phát huy hiệu quả mọi nguồn lực xã hội phục vụ cho mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế quận.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, việc đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng yếu. Qua đó, đồng chí đề nghị quận 5 tiếp tục triển khai công tác an sinh một cách thường xuyên, kịp thời, xác định tiêu chí và cách làm chính xác, công bằng. Đặc biệt quan tâm gia đình chính sách, neo đơn, người khuyết tật, các lực lượng tuyến đầu, cơ sở, những gia đình đặc biệt khó khăn.
Dịp này, 65 tập thể, 109 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TPHCM vì có thành tích trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quận 4 cũng đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 đợt dịch lần thứ 4. Dự hội nghị có Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết; Bí thư Quận ủy quận 4 Thái Thị Bích Liên.
Theo Chủ tịch UBND quận 4 Lê Văn Chiến, hơn 5 tháng thực hiện phòng, chống dịch, quận 4 đã cụ thể hóa những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch. Qua đó, từ một quận có số ca mắc phát sinh hàng ngày cao, đến cuối tháng 10, số ca mắc liên tục giảm sâu trên toàn quận, chỉ còn trung bình 10 ca/ngày. Tính đến ngày 13-11, quận 4 có hơn 16.700 người mắc Covid-19 và 81,05% người đã khỏi bệnh.
Để đạt được những kết quả trên, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận 4 đã chỉ đạo thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt giãn cách xã hội với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”, đồng thời nhân rộng phong trào tự quản "bảo vệ vùng xanh" trên toàn quận, từ đó đã phát huy vai trò tích cực của người dân trong công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, quận cũng triển khai thần tốc lấy mẫu xét nghiệm tại cộng đồng để kịp thời đánh giá, phân loại lại vùng nguy cơ, bóc tách được các nguồn lây nhiễm trong cộng đồng. Song song đó là phương án điều trị, thu dung, quận 4 đã chuyển đổi công năng bệnh viện quận thành bệnh viện điều trị Covid-19 và thành lập 9 khu cách ly tập trung, tiếp nhận hơn 9.500 ca mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Hiện nay, các cơ sở này chỉ còn hơn 100 người đang được theo dõi, điều trị.
Về tiêm chủng, đã có 128.791 người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1 (đạt tỷ lệ 99,46%); 117.676 người tiêm đủ 2 mũi (đạt tỷ lệ 90,88%); 9.563 trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi được tiêm vaccine (đạt 93,88%).
Công tác quản lý, chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà được quan tâm, các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 cộng đồng, đội phản ứng nhanh, đội vận chuyển oxy miễn phí của các phường đã tích cực hướng dẫn và chăm sóc, cấp phát thuốc cho hơn 6.000 người bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ cách ly tại nhà. Qua đó, kịp thời chuyển tuyến nếu người bệnh có dấu hiệu trở nặng cần đi điều trị.
Bên cạnh đó, công tác chăm lo, đảm bảo an sinh xã hội luôn được quận 4 chú trọng. Đến nay, quận đã hoàn tất việc chi các gói hỗ trợ đợt 1, 2 với số tiền hơn 240,6 tỷ đồng, chi gói hỗ trợ đợt 3 với số tiền hơn 154,3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 97,3%; vận động, chăm lo tiền và quà cho người dân khó khăn với tổng số tiền gần 126 tỷ đồng, phát hơn 1.000 tấn gạo, lương thực thực phẩm thiết yếu cho các hộ khó khăn.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận những nỗ lực, kết quả quận 4 đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch vừa qua. Đồng thời, đề nghị quận tiếp tục tập trung công tác dự phòng, điều trị, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, thay đổi hành vi, thích ứng linh hoạt trong điều kiện "bình thường mới".
Đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết lưu ý, quận cần củng cố lại hệ thống y tế cơ sở, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng bệnh viện dã chiến mới của quận. Đồng thời tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các Trạm Y tế phường, trạm y tế lưu động, Đội Phản ứng nhanh, các Tổ Covid-19 cộng đồng...
Song song đó là quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn hoạt động, sản xuất kinh doanh trở lại với nguyên tắc thích ứng, an toàn, góp phần phục hồi kinh tế của quận. Ngoài ra, quận cần làm tốt công tác quản lý, chăm sóc F0 tại nhà, xét nghiệm tại các khu vực nguy cơ cao và quan tâm đảm bảo an sinh xã hội cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Dịp này, có 35 tập thể được nhận bằng khen của UBND TPHCM; UBND quận 4 tặng giấy khen cho 162 tập thể và 458 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quận 4.